TM ·
2 năm trước
 2807

Vì sao chính sách thuế là công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường?

Với vai trò là một loại công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường, thuế bảo vệ môi trường đã được xây dựng và áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Đây cũng là văn bản duy nhất điều chỉnh một cách trực tiếp vào các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Sự cần thiết ban hành thuế bảo vệ môi trường

Luật thuế Bảo vệ môi trường được Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, là văn bản duy nhất điều chỉnh một cách trực tiếp vào các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng phát thải nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ các quy trình sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải; ô nhiễm ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, sông hồ và trong không khí.

Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, nếu GDP tăng gấp đôi và Việt Nam không kịp thời có các giải pháp giảm dần tình trạng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm tăng gấp 3 đến 5 lần.

Vì sao chính sách thuế là công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường? - Ảnh 1
Thuế bảo vệ môi trường được coi là một trong những công cụ kinh tế mang lại hiệu quả cao trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở đó, thuế bảo vệ môi trường được coi là một trong những công cụ kinh tế mang lại hiệu quả cao trong quản lý và bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm phải nộp thuế. Đây là một loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hoá khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

Hơn nữa, thuế bảo vệ môi trường cấu thành vào giá hàng hoá, dịch vụ nên có tác dụng kích thích và điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người hoặc có thể dẫn tới việc ra đời của các công nghệ, chu trình sản xuất và sản phẩm mới giảm thiểu tác hại tới môi trường.

Với vai trò là một loại công cụ kinh tế trong việc quản lý môi trường, thuế bảo vệ môi trường đã được xây dựng và áp dụng hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chính sách thuế có thể góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Tác động đến công tác bảo vệ môi trường

Các quy định của chính sách thuế hiện hành đã có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường. Các khoản thu thuế bảo vệ môi trường góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, dùng để chi cho đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra cho môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường. Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu hóa thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường.

Sự ra đời của Luật thuế Bảo vệ môi trường thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước trong việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường, hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn thể cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó, Luật thuế Bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu:

1. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới.

2. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn.

3. Tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan khác, thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế.

4. Các quy định trong Luật không quá phức tạp, phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ quản lý.

5. Động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời phải đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế, của các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.

Lan Anh (T/h)

Nguồn: Kinh tế Môi trường