Lê Sơn ·
3 năm trước
 3082

Vì sao KCN Khánh Phú xảy ra nghịch lý ô nhiễm môi trường do nước thải nhưng nhà máy xử lý nước thải lại không có việc để làm?

Không dám nuôi con gì, không dám trồng cây gì, lo ngại về sức khỏe,... là trạng thái tâm lý của người dân xung quanh KCN Khánh Phú, bởi tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ở mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải KCN Khánh Phú thì đang..."chết yểu" vì không có nước thải để xử lý.

Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú (Ninh Bình) là nơi thường xuyên xảy ra những sự cố về môi trường. Đã rất nhiều lần xuất hiện tình trạng cá trong ao của các hộ dân chết trắng do nước từ kênh điều hòa của khu công nghiệp chảy vào.

Các hộ dân phản ánh trước đây vẫn nuôi cá trong ao nhưng từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, thường xuyên xảy ra tình trạng cá chết trắng do nước điều hòa ở khu công nghiệp chảy vào nên cũng không dám nuôi nữa.

KCN Khánh Phú

Tình trạng cá chết trắng trên sông Chanh, đoạn qua Khu công nghiệp Khánh Phú

Thậm chí, trâu bò của người dân chăn thả trong khu công nghiệp khi uống nước tại kênh điều hòa cũng lăn đùng ra chết...

Không chỉ ô nhiễm về nước thải mà người dân ở đây hàng ngày phải đối diện với ô nhiễm khói bụi, nhất là bụi than từ các bãi tập kết của các nhà máy và khói thải từ Nhà máy kính Tràng An, Nhà máy đạm Ninh Bình...

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lâm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cũng thừa nhận có tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Khánh Phú. Cũng theo ông Xuyên, tại khu công nghiệp này vẫn còn tình trạng các nhà máy sản xuất không chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ một trường, thậm chí có những đơn vị thực hiện xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và đã bị phát hiện xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, có một điều nghịch lý là tại đây, Nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình) là một nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn tới 45.600m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 225 tỉ đồng và đã đi vào hoạt động được 10 năm nay. Khi xây dựng, nhà máy được đánh giá là cần thiết đối với một KCN lớn như KCN Khánh Phú.

Thế nhưng nhà máy này đang rơi vào tình trạng "chết yểu" vì không có...nước thải để xử lý. Trong khi đó tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Khánh Phú do nước thải đang rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. 

Từ khi đi vào hoạt động, công suất xử lý nước thải của nhà máy chỉ đạt 15-20%, đến thời điểm hiện tại nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng (7% công suất). Tại sao lại như vậy? Tìm hiểu được biết, công ty trong KCN Khánh Phú không xả thải qua nhà máy; hệ thống đường ống, cống rãnh dẫn nước thải trong KCN chưa hoàn chỉnh và không đấu nối được giữa nhà máy với các công ty, doanh nghiệp trong khu vực...

Trên thực tế đã có hơn 20 công ty, doanh nghiệp trong KCN Khánh Phú đấu nối đường ống và ký hợp đồng xử lý nước thải với nhà máy, nhưng lượng nước thải vào nhà máy chỉ đạt bình quân từ 3.000-4.000m3/ngày đêm.

Khu công nghiệp Khánh Phú

Nhiều công ty, doanh nghiệp thực hiện việc đấu nối đường ống dẫn nước thải về nhà máy để xử lý nhưng cả tháng không có 1 m3 nước thải nào dổ về nhà máy xử lý

Lượng nước thải vào nhà máy sụt giảm, trong khi đó, tình trạng một số công ty, doanh nghiệp tại KCN Khánh Phú vẫn lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường và đã bị cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình lập biên bản xử lý nhiều lần như: Nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty TNHH may Nienhsing Ninh Bình... 

Đó là nghịch lý đang xảy ra tại KCN Khánh Phú, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng và đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Không dám nuôi con gì, không dám trồng cây gì, lo ngại về sức khỏe,... là trạng thái tâm lý của người dân xung quanh KCN Khánh Phú, và người ta đặt câu hỏi không biết bao giờ tình trạng này mới kết thúc?