Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023. Theo đó, số liệu cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới bị giảm và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 1 tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ở chiều ngược lại, cả nước có 13,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7, giảm 1,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,3% về số lượng, tăng 2,4% về số vốn đăng ký và giảm 25,6% về số lao động.
Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 1% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2022; có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% và tăng 30,3%; có 5.257 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 8,6% và tăng 19%; có 1.581 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,7% và giảm 10,5%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Xét theo khu vực kinh tế, 7 tháng năm nay có 945 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm trước; 21,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 5%; 67,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 2,5%.
Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng có xu hướng tiếp tục giảm, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm kể từ năm 2019 đến nay.
Tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 834.320 tỷ đồng, bằng khoảng hơn 80% tổng số vốn cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 con số này là 1.065.413 tỷ đồng và năm 2022 là 1.006.058 tỷ đồng).
Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 7 tháng đầu năm kể từ năm 2018. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 52% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) TS. Nguyễn Thị Minh Thảo, hiện nay tình hình phát triển doanh nghiệp đang đi ngược lại với xu thế trước đây. Nếu như trước, khi so sánh thì số lượng các doanh nghiệp thành lập mới sẽ lớn hơn rất nhiều số lượng các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trung bình khoảng 2%.
Đặc biệt, năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới lớn hơn gấp 4 lần doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, 6 tháng năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ít hơn số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Điều này phản ánh, những khó khăn của doanh nghiệp là rất lớn…
Không những vậy, sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, "sức khỏe" doanh nghiệp đã bị bào mòn nhiều. Cùng với đó, tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thể chế trong nước chưa có sự cải thiện nhiều thì sự khó khăn của doanh nghiệp dường như trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, khi thu nhập của người lao động bị sụt giảm sẽ kéo theo sự suy giảm sức tiêu thụ của người dân… việc thực thi sớm các Nghị quyết, vận dụng các cơ chế, chính sách như thế nào nhằm tạo hiệu quả giúp đạt được các mục tiêu kinh tế đã đặt ra là nhiệm vụ không hề dễ dàng…
Theo TS. Nguyễn Thị Minh Thảo, đây là lúc cần tăng tốc thực hiện các giải pháp đã được Chính phủ ban hành, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng; chỉ đạo hạ lãi suất… và đây là lúc tăng tốc đưa các chính sách này vào cuộc sống. Bên cạnh việc tăng tốc thực hiện các giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng cần tăng tốc thực hiện các giải pháp cải thiện về môi trường kinh doanh như: cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết gây khó khăn cho sự phục hồi của doanh nghiệp. |