Anh Tuấn ·
3 năm trước
 2432

Vì sao Tổng Công ty bảo hiểm PJICO không cấp lại bảo hiểm cho ngư dân tàu 67?

"Ngư dân luôn mong muốn Nhà nước chung tay cùng ngư dân, hỗ trợ để chúng tôi có đủ điều kiện an tâm đi làm. Đó là điều mà chúng tôi mong muốn nhất" - Đó là lời nói của ngư dân tàu Nghị định 67 khi chưa thể bám biển vì chưa mua được bảo hiểm tàu từ PJICO. Vậy, giữa Công ty bảo hiểm PJICO và ngư dân đang có những khúc mắc gì?

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 67) của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Nghệ An được phân bổ chỉ tiêu 110 tàu cá. UBND tỉnh đã phê duyệt đủ điều kiện đóng mới cho tất cả, 104 phương tiện đã chính thức hạ thủy và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ tham gia hoạt động khai thác xa bờ.

Trong số 104 tàu Nghị định 67 được đóng mới có 90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép, số còn lại là Composite với tổng số tiền giải ngân lên đến hơn 860 tỷ đồng.

Tàu đóng theo Nghị định 67 đang gặp nhiều khó khăn, không thể ra khơi

Thế nhưng trả nợ thì lại là một câu chuyện dài. Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, đến 28/2/2021 có 3 tàu gặp sự cố đã tất toán khoản vay, 101 tàu khác còn nghĩa vụ trả nợ ngân hàng hơn… 660 tỷ đồng.

Rất đáng quan ngại khi số tàu cá hoạt động hiệu quả chưa đạt nổi 1/3, trong khi số tàu nợ quá hạn lên đến 59, riêng 51 tàu buộc phải chuyển sang hình thức nợ xấu.

tàu Nghị định 67

Những con tàu 67 không phát huy tối đa tiềm năng, điều này đẩy các chủ tàu vào tình cảnh khốn đốn

Theo thông tin từ Báo Nông nghiệp, tính toán sơ bộ, mỗi con tàu vỏ gỗ có giá bình quân 7 – 10 tỷ đồng, với những tàu vỏ thép hoặc Composite mức đầu tư thậm chí cao gấp 2 đến 3 lần. Trong bối cảnh kinh doanh sản xuất khó khăn, tình trạng thu không bù chi kéo dài liên miên kết hợp với thái độ không mấy cầu thị của một số chủ tàu khiến tình hình ngày một cam go hơn.

Nghị định số 17/2018/NĐ-CP và Thông tư 12/2018/TT-NHNN ngày 27/4/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu đối với trường hợp không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động. Là phương án mở nhưng việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ giá trị tài sản tại thời điểm chuyển đổi thấp hơn nhiều so với giá trị các khoản nợ phải gồng gánh, vì vậy việc tìm ra chủ tàu mới gian nan hệt như mò kim đáy bể.

Điển hình như trường hợp của khách hàng Trương Thanh Thủy, thông qua ngân hàng TMCP Công thương Thành phố Vinh giá trị con tàu lúc cho vay lên đến 10,18 tỷ đồng, tuy nhiên phải đến phiên bán đấu giá thứ 12 mới có người mua với mức giá rẻ bèo 1,88 tỷ đồng.

Thê thảm hơn nữa là tàu cá của ông Trần Đình Nhàn, qua 10 lần bán đấu giá vẫn chưa tìm ra khách hàng phù hợp, đã thế hàng ngày gia đình phải tiêu tốn 1,5 triệu đồng để bảo quản phương tiện.

Những con số thống kê không hề biết nói dối, 21 khách hàng đã và đang đang bị các Ngân hàng khởi kiện hoặc bị cơ quan thi hành án (THA) xử lý tài sản do không trả được nợ vay và vi phạm các quy định tại hợp đồng tín dụng đã ký kết (3 tàu đã bị cháy, 10 tàu đã và đang được cơ quan THA xử lý, 8 tàu đang thực hiện các thủ tục khởi kiện) đã nói lên tất cả.

Tổng Công ty bảo hiểm PJICO không cấp lại bảo hiểm cho ngư dân tàu 67?

Theo thông tin từ phía VOV, nhiều chủ tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh, đến thời điểm này họ vẫn chưa mua được bảo hiểm, nên nhiều tàu cá phải nằm bờ hoặc phải bỏ tiền mua bảo hiểm mà không có sự hỗ trợ của Nhà nước, khiến họ gặp khó khăn chồng chất.

Thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An gần như ở thế “độc quyền”. Bằng chứng từ 2014 đến 2019 có 4.281 tàu cá và 35.792 phương tiện tham gia bảo hiểm của hãng này. Xét đến tổn thất có 2.544 vụ liên quan đến thân tàu, 267 vụ liên quan đến các thuyền viên với tổng kinh phí bồi thường hơn 118 tỷ đồng.

tàu nghị định 67

Phía bảo hiểm PJICO phải có động thái dứt khoát về việc tuân thủ bán bảo hiểm cho các tàu cá thuộc phạm vi Nghị định 67 thay vì thái độ nước đôi như bấy lâu

Thế nhưng từ cuối 2019 đến nay phía Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An kiên quyết không bán bảo hiểm như cam kết ban đầu, điều này báo hại ngư dân, chính quyền các cấp và hàng loạt ngân hàng thực sự lao đao. Trường hợp mua bảo hiểm ngoài thay thế thì không được hưởng quyền lợi chính đáng của Nghị định 67.

Vì không có bảo hiểm, nhiều tàu cá chịu cảnh nằm bờ. Nhưng để tàu nằm bờ thì không có khả năng trả nợ, nếu cố sống cố chết vươn khơi bám biển thì quá nhiều rùi ro. Một vòng luẩn quẩn deo bám ngư dân. 

Tháng 4/2021 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký công văn đề nghị Bộ Tài chính đôn đốc Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An tiếp tục bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân, hoặc chỉ định đơn vị khác thay thế. Chính quyền địa phương thực sự bức bách, dù vậy đáp lại vẫn là động thái im lặng liên hồi.

Không chỉ có Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An không bán bảo hiểm theo cam kết ban đầu, mà Công ty bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cũng vậy. Được biết, Công ty bảo hiểm PJICO Vũng Tàu từ giữa năm 2019 (thời điểm tái ký các hợp đồng bảo hiểm tàu cá) cũng chưa cấp lại được hợp đồng bảo hiểm tàu cá nào cho bà con ngư dân.

Qua quá trình thực hiện phía PJICO nhận thấy hầu hết các chủ tàu đều không đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chức danh thuyền viên được quy định. Chính vì vậy, phía Công ty bảo hiểm PJICO cho rằng, nếu tiếp tục cấp hợp đồng bảo hiểm sẽ rủi ro rất lớn khi có tổn thất xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Năm, Phó Giám đốc Công ty bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho biết, đến nay phía PJICO Vũng Tàu vẫn chưa nhận được thông báo từ phía Tổng Công ty bảo hiểm PJICO cấp lại bảo hiểm cho ngư dân tàu 67, nên phía công ty vẫn đang ngưng cấp lại hợp đồng bảo hiểm cho ngư dân tàu 67 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chờ có thông báo, hướng dẫn sẽ tiếp tục triển khai.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã nhận được nhiều phản ánh của bà con ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67, bà con tha thiết yêu cầu các cơ quan chức năng sớm can thiệp để phía PJICO sớm cấp lại hợp đồng bảo hiểm để ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, quan trọng hơn là không nên để một doanh nghiệp Bảo hiểm độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.

"Ngư dân thì có nhu cầu cao, Chính phủ có chính sách hỗ trợ thân tàu, thuyền viên thì ngư dân rất mừng; Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua việc chỉ định cho PJICO bán bảo hiểm cũng gây khó khăn cho ngư dân bị tai nạn trên biển, hay như bồi thường rủi ro, tổn thất thì rất lâu và chậm" - ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết.

Hy vọng những khúc mắc giữa Công ty bảo hiểm PJICO và ngư dân có thể sớm tháo gỡ, để người dân tiếp tục mua được bảo hiểm. Ngư dân luôn mong muốn Nhà nước chung tay cùng ngư dân, hỗ trợ để ngư dân có đủ điều kiện an tâm đi làm. Đó là điều mà ngư dân mong muốn nhất!

Thông tin từ Nông Nghiệp/VOV