Lan Hương ·
2 năm trước
 3311

Vì sao Vạn Thịnh Phát vẫn lớn mạnh trong khi có nhiều dự án "đất vàng" bỏ hoang?

Tôi là một nhà đầu tư thứ cấp, hàng chục năm nay thấy rằng tiềm lực kinh tế của Vạn Thịnh Phát quá mạnh. Chưa từng thấy một doanh nghiệp nào bỏ rất nhiều tiền chi cho "đất vàng", nhưng lại bỏ ngỏ nhiều như Vạn Thịnh Phát. Khi nhìn vào hoạt động bất thường của Vạn Thịnh Phát hàng chục năm nay, tôi đặt câu hỏi rằng, liệu Vạn Thịnh Phát đã phát triển bằng cách nào? Câu hỏi này càng gây tò mò hơn cho các nhà đầu tư trong khi doanh nghiệp này không hề niêm yết và công bố báo cáo tài chính.

Hành trình "miệt mài" thâu tóm đất vàng của đại gia Vạn Thịnh Phát

Theo giới thiệu trên website của Vạn Thịnh Phát, tập đoàn này được thành lập từ năm 1992 do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HĐQT, với lĩnh vực kinh doanh thương mại và nhà hàng, sau đó mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Trong cơ cấu tổ chức của Vạn Thịnh Phát, có 2 pháp nhân mang tên “Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”.

Công ty thứ nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng. Đây có thể coi là công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát. Tại VTP Group Holdings, bà Lan sở hữu 80% cổ phần, tương đương lượng vốn góp trị giá 4.800 tỷ đồng. Bà Trương Huệ Vân (vợ ca sĩ Thanh Bùi), cùng bố là ông Trương Chí Trung, sở hữu 8,33% cổ phần, tương đương 500 tỷ đồng. Theo thông tin trên báo chí, thì ông Trương Chí Trung là anh của bà Trương Mỹ Lan.

Công ty thứ hai là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Investment Group. Công ty này có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng, trong đó bà Trương Mỹ Lan sở hữu 15% cổ phần, VTP Group Holdings sở hữu 41%.

Năm 2016, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã làm nóng thị trường bất động sản trung tâm TP.HCM khi gửi một văn bản xin chủ trương của UBND TP.HCM về việc đầu tư dự án khu tứ giác “vàng” Khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão. Riêng khu đất tứ giác vàng Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế.

Khu đất có diện tích 11.160 m2, xây cao tối đa 40 tầng này được đề nghị triển khai theo hình thức chỉ định thầu cho liên doanh nhà đầu tư là Công ty Larkhall Holding và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát. 

vạn thịnh phát

Khu đất có diện tích 11.160 m2, xây cao tối đa 40 tầng này được đề nghị triển khai theo hình thức chỉ định thầu cho liên doanh nhà đầu tư là Công ty Larkhall Holding và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát

Ngoài việc muốn "giành" khu đất vàng hiếm hoi còn sót lại ngay trung tâm quận 1 này, hồi tháng 5/2016, Vạn Thịnh Phát cũng đã đề xuất UBND TP.HCM cho tập đoàn này được tự bỏ kinh phí nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án Khu công viên Cảng Du lịch Bạch Đằng (quận 1) từ nguồn vốn tự có. 

Được biết, quỹ đất trên được UBND TP.HCM kêu gọi tham gia đầu tư dự án theo hình thức xã hội hóa (đoạn từ công viên phía trước Bảo tàng Tôn Đức Thắng đến trước đường Hàm Nghi) với diện tích 17,08 ha. Trong đó, diện tích mặt đất công viên là 7,02 ha và diện tích mặt nước 10,06 ha.

Trước đó, Vạn Thịnh Phát đã có được những khu đất tuyệt đẹp tại trung tâm TP.HCM và tiến hành phát triển các dự án. Đơn cử như tòa nhà Time Square với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TP.HCM và Trung tâm thương mại Union Square hồi tháng 6/2013.

vạn thịnh phát

Tòa nhà Time Square

Tập đoàn gia đình của bà Trương Mỹ Lan có đến 5 dự án trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chiếm gần nửa diện tích các dự án trên con đường đắt đỏ bậc nhất này. 

Vạn Thịnh Phát thâu tóm nhưng lại...để đó

Nhiều thông tin về việc thâu tóm quỹ đất vàng của tập đoàn này được công bố trong thời gian qua, nhưng thời gian triển khai dự án vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Tập đoàn này thâu tóm quỹ đất tứ giác giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực và ý định xây dựng tòa cao ốc với tên gọi dự án Tháp SJC. Tuy nhiên, giống như nhiều dự án khác của Vạn Thịnh Phát, dự án này cũng rơi vào cảnh "mua rồi để đó" và hiện đang là bãi giữ xe.

Câu chuyện này cũng giống với Dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza. Năm 2016, Vạn Thịnh Phát lại làm dậy sóng thị trường khi bỏ số tiền lớn ra mua lại Dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza, đường Hồng Bàng (quận 5) do Công ty Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 hợp tác cùng Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong) triển khai. Dự án với 3 tòa tháp có chức năng căn hộ (gần 650 căn), văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại - giải trí, nhà xe và các tiện ích khác.

Thế nhưng, trái với mong đợi của người dân, rằng Vạn Thịnh Phát sẽ "hồi sinh" dự án này, nhưng Vạn Thịnh Phát tiến hành sửa chữa, sơn lại màu sơn mới cho toàn bộ các tòa tháp, rồi lại… để đó. Không có bất cứ giao dịch bán hay cho thuê căn hộ nào, chỉ duy nhất khai thác phần trung tâm thương mại bên dưới.

Không nằm ngoài tình trạng trên, khu tứ giác “vàng” Khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế và Khu tam giác Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão mà Vạn Thịnh Phát đã can thiệp vào năm 2016 chính là 2 trong số 61 dự án mới bị hủy bỏ tại TP. HCM được công bố gần đây. 

Mặc dù Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã làm nóng thị trường bất động sản trung tâm TP.HCM khi gửi văn bản xin chủ trương của UBND TP.HCM về việc đầu tư 2 dự án này nhưng cuối cùng, sau 5 năm, trên 2 khu đất vàng này không hề phát triển dự án như những gì người dân Sài Gòn mong đợi. 

Ngoài ra, phải kể đến căn biệt thự cổ 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM) với diện tích rộng gần 3.000 m2 mà con gái vị Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi 700 tỷ đồng mua cũng trong năm 2016. Sau khi rót khoản tiền lớn để mua căn biệt thự cổ xây dựng theo kiến trúc thời Pháp này, chủ nhân cũng để đó, không tiến hành xây dựng hay sửa chữa khai thác.

Có thể thấy, tiềm lực kinh tế của Vạn Thịnh Phát quá mạnh, các nhà đầu tư phần nào có thể nhìn nhận thấy nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát như một cái "thùng không đáy".

Trên cả nước Việt Nam, cũng không có một doanh nghiệp nào đầu tư và bỏ rất nhiều tiền chi cho đất vàng dự án, nhưng lại bỏ ngỏ nhiều như Vạn Thịnh Phát. Khi nhìn vào hoạt động bất thường của Vạn Thịnh Phát hàng chục năm nay, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi rằng, liệu Vạn Thịnh Phát đã phát triển bằng cách nào, trong khi rất nhiều dự án không xây dựng phát triển, không rao bán, mà chỉ...để đấy mặc cho tiền chết. 

Câu hỏi này càng gây tò mò hơn cho các nhà đầu tư trong khi doanh nghiệp này không hề niêm yết và công bố báo cáo tài chính.