Huỳnh Anh ·
3 năm trước
 2688

Vì sao viên nang Kovir của CTCP Sao Thái Dương có tên trong danh mục hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế?

Mặc dù Công văn 5944 của Bộ Y tế đã được thu hồi vào ngày 26/7 vừa qua, nhưng dư luận vẫn thắc mắc vì sao viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương có tên trong danh mục hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Những lý do mà đại diện CTCP Sao Thái Dương phải chăng chưa thỏa mãn được người dân?

Mới đây, ghi nhận tại chợ thuốc Hapulico xảy ra tình trạng "cháy" hàng một số mặt thuốc thực phẩm chức năng. Một người thường xuyên nhập hàng nói rằng, hiện tại các đơn vị cung cấp tại chợ cũng không còn một số loại thuốc như viên nang Kovir của CTCP Sao Thái Dương hay Xuyên tâm liên vì người dân đã mua hết và không còn hàng để bán. 

Được biết, những loại mặt hàng được "săn lùng" nhiều nhất trong những ngày qua là 12 loại thuốc cổ truyền mà Bộ Y tế đã khuyến nghị trong Công văn 5944 đã được thu hồi, đặc biệt là viên nang Kovir của CTCP Sao Thái Dương trở thành mặt hàng khan hiếm trên thị trường thuốc. Mặc dù đã được thu hồi ngay ngày 26/7 (Ban hành ngày 24/7) nhưng vẫn nhiều người dân tìm mua bất chấp việc loại thuốc này đã được tăng giá đến 4 - 5 lần. 

Và khi tìm hiểu kĩ, nhận thấy có khá nhiều bất thường trong việc sản phẩm của Công ty CP Sao Thái Dương được đưa vào danh mục hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế. 

thuốc Kovir

Viên nang Kovir của CTCP Sao Thái Dương trở thành mặt hàng khan hiếm trên thị trường thuốc những ngày qua dù giá cao ngất ngưởng

Thứ nhất, trước đó Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã được Bộ Y tế cảnh báo rằng: “Thông tin hỗ trợ điều trị COVID-19 của Kovir là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19".

Như vậy, mặc dù đã được Bộ Y tế cảnh báo vào năm ngoái, nhưng năm nay thuốc này lại có tên trong danh mục hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Vậy vì lý do gì khiến viên nang Kovir của CTCP Sao Thái Dương "lọt" danh mục hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế?

Hay viên nang Kovir này đã có một số thay đổi về thành phần, tác dụng náo đó khiến Bộ Y tế có đánh giá tốt trong việc hỗ trợ điều trị Covid-19? Tuy nhiên, gần đây, xem tất cả tin tức chính thống chúng ta không hề thấy thông tin này. Vậy thì lý do viên nang Kovir trở thành loại thuốc được Bộ Y tế nhắc đến tên là gì?

Thứ hai, khi hỏi ông Nguyễn Hữu Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương về lý do khiến viên nang Kovir được lựa chọn, ông Thắng cho biết, việc có các sản phẩm đưa vào danh mục hướng dẫn điều trị Covid-19 của Bộ Y tế là do "ở trên" đánh giá. 

"Tôi không quan tâm tới danh mục ấy, bên trên đánh giá tôi nghĩ là đúng. Chi tiết tôi không nhận xét vì còn nhiều sản phẩm của doanh nghiệp khác. Việc đưa các sản phẩm Đông y vào điều trị Covid-19 là đúng. Có thể họ nắm bắt được thông tin sản phẩm của mình họ đưa vào. Vì sản phẩm của tôi được đưa vào một số nơi như Hà Nam, Lạng Sơn khi phát cho người bệnh sử dụng họ đánh giá lại. Chắc có thể thấy sản phẩm của tôi có hiệu quả họ đưa vào danh mục", ông Thắng nói.

Còn về phía ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế), ông Thịnh cho biết: "Tất cả sản phẩm trong danh mục của Công văn 5944 được đánh giá không có hại, an toàn và họ tài trợ để ủng hộ cho đồng bào nên chúng tôi chỉ tiếp nhận thôi. Toàn bộ là thuốc bổ, thuốc bình thường. Khi soạn thảo công văn là hiểu sai, hiểu nhầm nên chúng tôi phải sửa chữa".

Khi được hỏi rằng vì sao ông Nguyễn Hữu Thắng nói, có thể do  Bộ Y tế đánh giá có kết quả tốt nên mới đưa sản phẩm của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương vào danh mục? - Ông Thịnh trả lời: "Họ đã có đề tài đề xuất nghiên cứu thử nghiệm, nhưng hiện vẫn chưa nghiệm thu. Tất cả mới chỉ là bước đầu. Còn về  sản phẩm, mức độ an toàn là bình thường, không có độc tố".

Như vậy, ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) trả lời khác với ông  Nguyễn Hữu Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, việc ông Dương cho rằng sản phẩm được lựa chọn là do đánh giá tốt là không chắc chắn. Bởi theo ông Thịnh cho hay, thì đề xuất nghiên cứu thử nghiệm của công ty thậm chí chưa được nghiệm thu.

Vậy thì lý do mà viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương được đưa vào danh mục hướng dẫn của Bộ Y tế là gì? Đây vẫn là câu hỏi chưa được trả lời rõ ràng.

Thêm nữa, điều thứ ba dư luận quan tâm là để được Bộ Y tế đưa vào danh mục hướng dẫn điều trị một loại bệnh phổ thông nào đó (Trong hoàn cảnh hiện nay là bệnh dịch Covid-19), thì thuốc đó cần đáp ứng được những điều kiện gì?

Được biết, để được đăng ký là thuốc phải qua Cục Dược của Bộ Y tế hoặc Viện y học cổ truyền và phải nghiên cứu lâm sàng, sau đó đăng ký nghiên cứu để được hội đồng y đức của Viện hoặc của Cục Dược phê duyệt. 

Tuy nhiên, Kovir vẫn chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) chưa được nghiên cứu lâm sàng, như vậy, viên nang Kovir nằm trong danh sách được của Bộ Y tế khuyến nghị sử dụng có đúng hay không?

Thứ tư, nguyên nhân do đâu mà viên nang Kovir đã tăng giá một cách chóng mặt như vậy?

Văn bản xác nhận công bố sản phẩm Kovir do Cục trưởng cục an toàn thực phẩm ký ngày 31/07/2017. Trước đó, trên các trang web bán thuốc, viên nang Kovir – giúp tăng sức đề kháng hô hấp chỉ có giá 250.000 đồng.

Tuy nhiên, ngày 19/7/2021, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đột ngột ra văn bản thông báo tăng giá viên nang cứng Kovir lên tới 1 triệu đồng/2 vỉ 15 viên; viên nang mềm hộp 5 vỉ có giá 1.250.000 đồng áp dụng từ 19/7/2021 (Lao Động đưa tin).

viên nang Kovir

Sự "khác biệt" về giá cả và công dụng của 2 loại thuốc Kovir (viên nang cứng - mềm)

Tôi muốn hỏi đại diện Công ty CP Sao Thái Dương rằng sản phẩm thuốc này đã thay đổi công thức, tác dụng như thế nào khiến cho giá thuốc tăng cao như vậy? Liệu trong sản phẩm này đã có thêm hay thay đổi một thành phần hiếm hay đắt đỏ nào đó khiến giá thuốc tăng cao? Gần đây có rất nhiều người quan tâm và có nhu cầu mua thuốc này, nên tôi nghĩ đó là một câu hỏi chính đáng và nhà sản xuất cần giải đáp rõ ràng!

Thêm vào đó, giá thuốc chỉ tăng trước 5 ngày trước khi Công văn 5944 của Bộ Y tế được công bố. Điều này có thể là trùng hợp?