Bích Ngọc ·
24 tuần trước
 9832

Việc giao dịch từ 400 triệu đồng phải báo NHNN có làm cản trở giao dịch tiền mặt?

Từ ngày 1/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự giám sát của Nhà nước đối với các giao dịch tiền tệ, tăng quyền lực kiểm soát cung và cầu tiền để bảo đảm ổn định tiền tệ, chống rửa tiền…

Được biết, Quyết định này áp dụng với các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan như bất động sản, đổi tiền... với mục đích kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Thực tế, những quy định được áp dụng nhiều năm nay không hạn chế giao dịch tiền mặt mà nhằm theo dõi những giao dịch không bình thường, phục vụ mục đích bất hợp pháp (nếu có). Cơ quan chức năng sẽ tự giám sát và nếu có vấn đề gì mới can thiệp, chứ hoàn toàn không cản trở hay công bố số liệu được báo cáo.

Có những băn khoăn rằng, quy định mới trên dù đã nâng hạn mức so với mức cũ nhưng thực hiện rất khó vì quá nhiều giao dịch trên 400 triệu đồng thuộc diện phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, quy định này hoàn toàn khả thi.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Việc xây dựng Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg để hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền. Phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, đây là quy định để bảo đảm sự giám sát của Nhà nước đối với các giao dịch tiền tệ, tăng quyền lực kiểm soát cung và cầu tiền để bảo đảm ổn định tiền tệ.

Từng giao dịch sẽ được Nhà nước theo dõi cụ thể để từng bước hiểu rõ nguồn gốc tiền tệ, xu hướng di chuyển dòng tiền, giảm thiểu các tiêu cực, đặc biệt là tội phạm rửa tiền, các khoản tiền ko rõ nguồn gốc, giao dịch bất hợp pháp...

Theo PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, việc quản lý các giao dịch này không khó vì các giao dịch chi tiết đều thông qua ngân hàng hoặc phi ngân hàng. Hiện nay có các ứng dụng trực tuyến, xử lý dữ liệu lớn, vì vậy việc quản lý cũng trở nên tiện lợi vô cùng. Vấn đề là cần có nền tảng tin cậy và quy trình bảo mật tốt cũng như ứng dụng tiện lợi. Nếu giao dịch trực tiếp và bằng tiền mặt sẽ rất khó khăn trong quản lý, tuy nhiên với ngân hàng số và chính phủ điện tử thì việc này lại đơn giản.

Có ảnh hưởng đến doanh nghiệp?

Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, việc Quyết định 11/2023/QĐ-TTg có hiệu lực là theo đúng định hướng. Trước đây, Luật Phòng chống rửa tiền có quy định giao dịch trên 300 triệu đồng phải báo cáo. Mức này nâng lên 400 triệu cũng bình thường. Như vậy không phải siết chặt mà là nới lỏng hơn..

Ông Lê Hoàng Châu cho hay, các khoản có thể phát sinh rủi ro trong chuyện rửa tiền thì phải báo cáo. Còn báo cáo thì Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo, thống kê đánh giá rủi ro.

Về ngành bất động sản, theo ông Lê Hoàng Châu, khi quyết định giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo Ngân hàng Nhà nước đi vào đời sống, các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng.

Theo ông Châu, Việt Nam tham gia Công ước phòng chống rửa tiền của Liên hiệp quốc nên đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền năm 2020 và mới sửa đổi.  Một trong những lĩnh vực có rủi ro lớn trong rửa tiền là bất động sản. Tuy nhiên, quy định này không chỉ áp dụng riêng với bất động sản mà còn với nhiều loại giao dịch có giá trị khác.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7116731601719868/?