Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường (ASOEN) năm 2022, tại tỉnh Siem Reap, Campuchia, Hội nghị Quan chức ASEAN về môi trường lần thứ 33 tại tỉnh Siem Reap, Campuchia, Hội nghị Ban chỉ đạo dự án hợp tác ACB - Đức (PSC) chuẩn bị cho Hội nghị Hội đồng quản trị ACB lần thứ 8 và Hội nghị Hội đồng quản trị của Trung tâm Đa dạng sinh học (ACB) lần thứ 24 đã được tổ chức trong hai ngày làm việc 3-4/10 năm 2022.
Vườn quốc gia Bạch Mã. (Ảnh: Internet)
Các Quan chức ASOEN đã rà soát, đánh giá và nhất trí đề cử 04 Vườn Di sản ASEAN, theo thứ tự từ 52 đến 55 trong số 10 Vườn Quốc gia (VQG) được xem xét tại Hội nghị Nhóm Công tác ASEAN về Đa dạng sinh học lần thứ 32 (đã diễn ra ngày 09-10/9/2022 trước đó).
Đó là: Công viên nguyên sinh Pasonanca (Philippines); Công viên nguyên sinh tại Dãy núi Inayawan (Philippines); Vườn Quốc gia Bạch Mã (Việt Nam); Vườn Quốc gia Côn Đảo (Việt Nam).
4 Vườn Di Sản ASEAN này sẽ được các nước trình lên cấp Bộ trưởng môi trường ASEAN phê duyệt và dự kiến được trao Chứng nhận tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17. Hai vườn quốc gia của Việt Nam được đề cử đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN. Đây là một kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam tại Hội nghị.
Kể từ khi Chương trình Vườn Di sản ASEAN được các nước ASEAN bắt đầu thực hiện đến nay, Việt Nam đã có 10 khu bảo tồn quốc gia được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Việc Bạch Mã và Côn Đảo dự kiến sẽ trở thành Vườn Di sản ASEAN thứ 54 và 55 của ASEAN sẽ góp phần nâng số lượng khu bảo tồn quốc gia của Việt Nam thành 12 Vườn Di Sản ASEAN trong năm tới. |
Vườn quốc gia Bạch Mã là một khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung Việt Nam, đạt được 10/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. VQG Bạch Mã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam và ASEAN. Việc công nhận Bạch Mà là Vườn Di sản ASEAN sẽ là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của đa dạng sinh học của ASEAN, thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý cũng như tăng cường hợp tác với các Vườn Di sản khác trong mạng lưới về bảo tồn và phát triển bền vững của ASEAN.
Vườn quốc gia Côn Đảo là một vườn quốc gia vùng biển của Việt Nam, được công nhận là Khu Ramsar vào năm 2014. VQG Côn Đảo được đánh giá là Vườn quốc gia đạt 9/10 tiêu chí của ASEAN trong bộ tiêu chí lựa chọn Vườn Di sản ASEAN. VQG Côn Đảo được các quốc gia thành viên công nhận không chỉ vì sự đa dạng sinh học biển độc đáo mà còn cả những giá trị lịch sử - văn hóa của Việt Nam.
Sau 17 năm thành lập, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) đã có những hoạt động hiệu quả, đóng góp rất lớn trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học cho các nước thành viên ASEAN. Các chương trình, hội thảo tập huấn được tổ chức, các giải thưởng về đa dạng sinh học trong đó có Chương trình Vườn Di sản ASEAN. Trung tâm ACB đã được thế giới biết đến với những nỗ lực bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học.