Bích Ngọc ·
2 năm trước
 5245

Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính

Từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các năm cơ sở 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016.

Theo Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) từ năm 1994. Là một bên nước thành viên không thuộc Phụ lục I của Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ và trách nhiệm xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu bao gồm kiểm kê quốc gia khí nhà kính để gửi Ban Thư ký Công ước.

Kiểm kê quốc gia khí nhà kính là việc tính toán lượng khí nhà kính phát thải/hấp thụ trong một năm cụ thể (trước năm thực hiện tính toán) trên cơ sở thông tin, số liệu hoạt động về các nguồn phát thải được thu thập, thống kê trong các lĩnh vực và hệ số phát thải, không phải theo các kịch bản. Kết quả này chưa bao gồm việc tính lượng khí nhà kính giảm phát thải.

Ảnh minh họa.

Triển khai quy định của Công ước, từ năm 2010 đến nay Việt Nam đã thực hiện 5 kỳ kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho các năm cơ sở 2000, 2010, 2013, 2014 và 2016 phục vụ xây dựng các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu và đã gửi Ban Thư ký Công ước theo quy định.

Việc thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính tuân thủ các hướng dẫn kiểm kê quốc gia khí nhà kính của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Kết quả kiểm kê quốc gia khí nhà kính qua 5 kỳ kiểm kê, chưa bao gồm việc tính lượng khí nhà kính giảm phát thải, cụ thể:

- Năm 2000: 150,9 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2010: 264,2 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2013: 259,0 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2014: 278,7 triệu tấn CO2 tương đương;

- Năm 2016: 316,7 triệu tấn CO2 tương đương.

Từ năm 2020 trở về trước, mặc dù chưa phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo triển khai các hoạt động giảm phát thải thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin về các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam được tổng hợp, thể hiện trong Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba của Việt Nam gửi Ban Thư ký Công ước, được đăng tải trên trang thông tin điện tử của UNFCCC.

Tuy nhiên, do chưa có yêu cầu về đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) kết quả giảm phát thải khí nhà kính nên số liệu thống kê về lượng giảm phát thải của các hoạt động chưa được thống kê chi tiết, đầy đủ.

Từ năm 2021 trở đi, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính so với mức phát thải theo kịch bản phát triển thông thường (BAU) đến năm 2030, bao gồm các chỉ tiêu giảm phát thải cụ thể cho từng lĩnh vực.

Các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính sẽ được đo đạc, báo cáo, thẩm định theo quy định của quốc tế và được công bố công khai trong thời gian tới.

Trước đó, tháng 11/2021, phát biểu tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn. Thủ tướng cũng cho rằng, mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho rằng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Các quốc gia phát triển cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã đưa ra, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỉ qua, là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng với cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới.