·
1 năm trước
 9243

Việt Nam đã và đang làm gì để nói không với "ô nhiễm trắng"

Muốn phát triển bền vững Việt Nam phải giải quyết bài toán cấp bách về rác thải nhựa hay còn gọi là ô nhiễm trắng. Nhìn nhận từ thực tế, thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam cùng doanh nghiệp đã có những hành động rất quyết liệt.

Giảm rác thải nhựa nhờ “bệ đỡ” chính sách

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường. Việc này được thể hiện thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (năm 2015), Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, một trong những văn bản quan trọng nhất liên quan đến quản lý và xử lý rác thải nhựa là Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm trắng không chỉ trên cạn mà còn trên biển.

Cụ thể theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP, sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch. Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Từ 15/9, Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng 1 lần lên các đảo.

Hay Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nội dung: Đến 2025, 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động VHTT&DL… 

Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Mới đây nhất trong đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội, là mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Khung thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì khó phân hủy sinh học dự kiến tương đương với mức thu thuế môi trường của các nước. Mục đích là nhằm hạn chế sử dụng túi nilon, hộp nhựa xốp… cũng như chưa khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế. Nếu đề nghị được thông qua đây có thể coi là bước đi quyết liệt của Việt Nam trong việc ngăn ngừa rác thải nhựa. 

Loại bỏ rác thải nhựa là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra các biện pháp tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề tiêu dùng và loại bỏ sản phẩm nhựa. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tập trung vào nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế đối tác giữa doanh nghiệp và cơ quan chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân từng chia sẻ nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Trong đó đáng chú ý là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung một số quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Qua đó hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Dẫu vậy ta và nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn phải đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gia tăng.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” để tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển, để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển.

Sự chung tay từ phía doanh nghiệp   

Trên hành trình bảo vệ môi trường xanh và chống rác thải nhựa, đã có nhiều tổ chức và cá nhân đưa ra các sáng kiến thiết thực, góp phần thay đổi ý thức và thói quen của cộng đồng.

Một ví dụ cụ thể là việc tại khắp mọi nơi trên cả nước, danh sách các cửa hàng xanh ngày càng được mở rộng, cam kết với môi trường bằng việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc có thể sử dụng nhiều lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát đã chuyển từ cốc nhựa sang chai thủy tinh, ống hút được sản xuất từ mía, cỏ, giấy, inox và sử dụng cốc giấy cho sản phẩm mang đi...

Ví dụ, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã từ tháng 4/2019 không sử dụng ống hút nhựa tại hơn 600 điểm bán trên toàn quốc và đã thay thế màn co và túi nilon gói thực phẩm bằng lá chuối tươi.

Điều này làm cho Saigon Co.op trở thành hệ thống bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam không bán ống hút nhựa, mở ra một chiến dịch mới về bảo vệ môi trường thông qua hành vi tiêu dùng trên kênh bán lẻ hiện đại trên cả nước. Các siêu thị khác như Co.opmart Việt Nam, Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã và đang sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đã tham gia vào cuộc chiến chống rác thải nhựa bằng việc sử dụng bình nước thay vì chai nhựa.

Sử dụng lá chuối bọc thực phẩm nhằm hạn chế rác thải nhựa.

Vào tháng 6/2019, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã hợp tác thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với mục tiêu chung là đóng góp cho một Việt Nam xanh, sạch, đẹp thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và tạo điều kiện thu gom và tái chế bao bì sản phẩm dễ tiếp cận và bền vững hơn.

Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam đánh giá, Nestlé Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đã được truyền cảm hứng khi chứng kiến Chính phủ Việt Nam, thông qua các cơ quan, ban, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, nỗ lực khắc phục vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và hướng đến loại bỏ đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025.  

Một số hãng hàng không đã cũng cam kết đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục vụ ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…

Các trường học đã tăng cường việc tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh bằng những việc làm cụ thể như không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện. Nestlé hỗ trợ và hợp tác với một doanh nghiệp xã hội triển khai dự án phân loại và thu gom rác tại nguồn tại hơn 4.000 học sinh tại 4 trường tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 2 năm 2019-2020.

Unilever Việt Nam đã thống nhất cùng Central Retail tiến hành dự án "Phân loại rác thải nhựa tại nguồn" tập trung hướng đến thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại các khu vực siêu thị tại miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương). Theo đó Từ tháng 8-2023 đến tháng 12-2023, nhiều hoạt động thuộc dự án sẽ được triển khai tại các hệ thống tại các hệ thống GO!, BigC, Tops Market, mini go! bằng cách khuyến khích, hướng dẫn phân loại rác trong từng sinh hoạt hằng ngày tại các điểm tiêu dùng trọng yếu, kết hợp cùng các hoạt động mua sắm xanh, tặng túi vải thân thiện với môi trường…

Chính sách từ Chính phủ đã trở thành bệ đỡ giúp các doanh nghiệp “chuyển mình”, chung tay bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa. Chính hành động từ các ông lớn trong ngành tiêu dùng là chìa khóa then chốt giúp người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng tới một thế giới không rác thải nhựa.

Điều 54, Khoản 1: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc, trừ các sản phẩm, bao bì xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
Điều 55, Khoản 1,2: 
1.Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động quy định tại khoản 3 Điều này, trừ sản phẩm xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm.
2.Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; mức đóng góp tài chính được xác định theo khối lượng hoặc đơn vị sản phẩm, bao bì.