Mới đây, Chứng khoán SSI đã công bố báo cáo đánh giá triển vọng khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường. Theo đó, sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt của nền kinh tế, nhất là với hoạt động xuất khẩu.
Cụ thể, Chứng khoán SSI cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi trong việc sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá giá. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam với hàng hoá xuất khẩu của nhiều quốc gia khác.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đồng thời, trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam thì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu.
Tuy vậy, những tác động của sự kiện trên tới các doanh nghiệp và nhóm ngành liên quan sẽ không diễn ra ngay tức thời trong ngắn hạn. Về dài hạn, theo chứng khoán SSI thì lợi ích lớn nhất từ việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đó là giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá. Từ đó hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng hơn trên thị trường quốc tế.
Theo BSC Research, việc được công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ ảnh hưởng đến 3 mặt gồm:
Đầu tiên là về xuất khẩu, Mỹ là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 97 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 30%). Trở thành nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai, giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường này.
Tiếp đó là về tỷ giá, xuất khẩu tăng góp phần làm tăng giá trị đồng nội tệ, đồng thời giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để sử dụng các biện pháp ổn định tỷ giá khi cần thiết.
Và thêm nữa là về dòng vốn FDI, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều là doanh nghiệp FDI (tính đến tháng 12/2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 355 tỷ USD chiếm hơn 73% tổng giá trị xuất khẩu). Việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế chống bán phá giá sẽ tạo thuận cho các doanh nghiệp, cùng với đó đón xu hướng dịch chuyển nguồn vốn từ Trung Quốc.
Những mã cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi?
BSC Research cũng chỉ ra nhóm các doanh nghiệp được hưởng lợi gồm có:
Nhóm thủy sản có cá tra (VHC, ANV, IDI) và tôm (FMC, MPC), việc giảm thuế chống bán phá giá sẽ tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và giúp các doanh nghiệp dễ dàng xuất khẩu vào Mỹ.
Nhóm dệt may có may mặc (TNG, MSH) không tác động nhiều bởi thuế quan ngành đang chủ yếu hưởng lợi ở các hiệp định FTA, tuy vậy nhóm sợi (STK) sẽ tích cực do hiện tại sợi PTY đang được áp mức thuế chống bán phá giá từ 2.67% - 22,82%.
Nhóm tôn mạ (HPG, HSG, NKG) hưởng lợi do một số sản phẩm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp do có nguồn gốc thép cuộn cán nóng xuất xứ từ Trung Quốc.
Với các nhóm gỗ (PTB, ACG), đá thạch anh (VCS), săm lốp (CSM, DRC) không hưởng lợi quá nhiều bởi các sản phẩm này đang bị đánh các loại thuế chống lẩn tránh để phòng vệ đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất sang Việt Nam và sau đó tái xuất sang Trung Quốc.
Reuters đưa tin, vào ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành đánh giá về việc có đưa Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường” hay không. Cũng theo hãng tin này, nỗ lực của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường quan hệ Mỹ-Việt có thể xung đột với mong muốn của ông về giành lá phiếu từ cử tri công nhân Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2024. Nâng cấp Việt Nam lên địa vị “nền kinh tế thị trường” là một ý tưởng vướng phải sự phản đối của các nhà sản xuất thép Mỹ và các chủ trang trại tôm ở vùng Bờ Vịnh của nước này, thế nhưng lại nhận được sự ủng hộ của các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp khác của Mỹ. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7829852250407796