Minh Anh ·
1 năm trước
 3576

Việt Nam thúc đẩy hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam nỗ lực hành động trong việc tăng cường sức chống chịu và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đóng góp vào mục tiêu toàn cầu về thích ứng, cân bằng với lĩnh vực giảm nhẹ.

Việt Nam đang ​ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.

Theo đó, các tác động của biến đổi khí hậu - chủ yếu là nhiệt độ và mực nước biển dâng cao hơn và biến động lớn hơn - đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. Các tính toán ban đầu cho thấy Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển sao cho phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Các cam kết của Chính phủ có thể và cần được củng cố bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước và thông qua các nguồn lực tài chính nước ngoài, nhà nước và tư nhân.

Ước tính, biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới một triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu khuyến khích các Bên tham gia thỏa thuận - trong đó, có Việt Nam - đệ trình và cập nhật định kỳ Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, qua đó, xác định mục tiêu thích ứng ở quy mô toàn cầu. Báo cáo có mục đích tăng cường các thông tin về thích ứng biến đổi khí hậu quốc gia, góp phần cân bằng với các nỗ lực về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Hiện nay, chi phí cho thích ứng mới chỉ chiếm khoảng 7% các khoản chi ứng phó biến đổi khí hậu nói chung trên toàn cầu, trong khi hơn 90% dành cho các nhiệm vụ giảm phát thải.

Tại Hội thảo “Tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu”, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã chia sẻ về các kết quả của Hội nghị COP27; những ưu tiên về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong Chiến lược biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 và Đóng góp quốc gia tự quyết định của Việt Nam (năm 2022); yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Đây là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự thảo Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu cho Việt Nam.

Theo đó, dự thảo Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu đã cung cấp thông tin về bối cảnh quốc gia, thể chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; Tác động, rủi ro và tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; Các mục tiêu, chiến lược, chính sách, kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu; Nhu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu; Nỗ lực và thành quả thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Hài hòa và đồng lợi ích giữa mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và các mục tiêu kinh tế – xã hội và giảm nhẹ phát thải KNK; Đóng góp vào các Điều ước/Thỏa thuận quốc tế khác; Bình đẳng giới, kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước đó, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) được ban hành nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

Theo GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, NAP là kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu của Việt Nam với quốc tế trong trung và dài hạn. Việt Nam xây dựng Báo cáo Kỹ thuật NAP theo yêu cầu của UNFCCC, qua đó, thông báo với quốc tế về tình hình biến đổi khí hậu tại Việt Nam, tác động, tổn thất và thiệt hại, mức độ diễn biến thiên tai và rủi ro khí hậu. Báo cáo cũng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, thành quả và thiếu hụt về thích ứng cần có sự hỗ trợ của quốc tế.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, mặc dù, còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế.

Nhiều chính sách, giải pháp, nghiên cứu và các hành động thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xây dựng và triển khai đồng bộ. Việt Nam đã đệ trình Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) năm 2015; cập nhật NDC năm 2020 và năm 2022. Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.