Ngọc Lan ·
4 ngày trước
 8956

Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh

Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm: "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, công ty tài chính.

Tại toạ đàm, các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều có nhận định rằng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Theo Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm để đạt mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh. Điều này cũng đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Tại toạ đàm, các chuyên gia tài chính- ngân hàng đã tập trung thảo luận xung quanh việc cần thiết xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính xanh cũng như các chiến lược quản trị rủi ro về môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh; nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Tạo lập hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực cho hoạt động, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin và đối xử công bằng.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho hay, tài chính bền vững đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các quốc gia nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một trong những điểm sáng đầu tiên là Chỉ thị số 03 của Ngân hàng Nhà nước, khuyến khích tăng trưởng tín dụng xanh và yêu cầu các ngân hàng quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Tiếp đó là Thông tư 17/2022 của Ngân hàng Nhà nước là bước ngoặt quan trọng, yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá tác động môi trường trong mỗi khoản vay, buộc các ngân hàng phải nghiêm túc triển khai.

Theo ông Mạnh Hùng, chính sách tín dụng xanh bước đầu đã phát huy tác dụng. Tính đến tháng 6/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 680.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này đánh dấu một bước tiến lớn so với năm 2017, khi tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 3,5%.

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã khẳng định rằng thời gian qua, ngành ngân hàng đã tiên phong “xanh hóa” dòng vốn đầu tư, gắn mục tiêu tăng trưởng xanh vào Chiến lược phát triển Ngành đến năm 2025, định hướng 2030. Trong 8 năm qua (2017 - 2024), dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực kinh tế xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, năm 2017 mới chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, mặc dù NHNN đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích các nhà băng tập trung nguồn lực cấp tín dụng xanh, hoàn thiện cơ chế chính sách để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên có nhiều khó khăn khi đẩy vốn vào lĩnh vực này.

“Ngành ngân hàng đang chờ quy định về phân loại danh mục xanh từ Chính phủ, từ đó kỳ vọng có thể đẩy mạnh vốn hơn vào lĩnh vực này”, Thống đốc cho biết.

Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho hay ngày càng tập trung vào chiến lược tăng thị phần tín dụng xanh, nhưng hiện chưa có quy chuẩn đồng bộ về thế nào là tín dụng xanh. Bên cạnh đó họ gặp vấn đề khó khăn khi đầu tư xanh như năng lượng tái tạo cần nguồn vốn lớn, kỳ hạn dài trong khi phần lớn huy động của ngành ngân hàng là kỳ hạn ngắn hạn.