Thị phần tín dụng hẹp, ngân hàng kiếm lời từ trái phiếu
Sau thời gian tạm hoãn vì lý do dịch bệnh, VietBank đã công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 (BCTC).
Theo BCTC, đến ngày 30/6/2021, VietBank thu gần 2.040 tỉ đồng tiền lãi từ hoạt động cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng này phải chi 2.173 tỉ đồng trả lãi tiền gửi cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. Điều này có nghĩa, hoạt động cho vay khách hàng, cấp tín dụng của VietBank chưa đủ lớn để mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, thậm chí âm tiền.
Thị phần tín dụng hẹp nên VietBank đã đa dạng hoá nguồn thu khác, tìm kiếm lợi nhuận qua các khoản lãi từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán nợ, tức trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu các ngân hàng khác. Khoản đầu tư này đã mang về cho ngân hàng 705 tỉ đồng tiền lãi, tăng 329 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ vậy, thu nhập lãi thuần tăng mạnh 129% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 482 tỉ đồng.
Tại ngày 30/6/2021, VietBank nắm giữ hơn 16.000 tỉ đồng trái phiếu, bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu do các tổ chức tín dụng khác phát hành. Vietbank sử dụng một phần trong số trái phiếu này để đảm bảo cho khoản vay 455,6 tỉ đồng tại các tổ chức tín dụng khác và được cấp hạn mức cho các nghiệp vụ thị trường mở với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Mặc dù, thu nhập lãi thuần tăng mạnh, nhưng chỉ số NIM (biên độ lãi ròng) của VietBank vẫn ở mức rất thấp so với các ngân hàng khác, chỉ đạt 0,5%. Trong khi đó, tỉ lệ NIM trung bình của cả hệ thống ngân hàng 6 tháng đầu năm nay là 4,6%. Hầu hết các ngân hàng đều báo lãi lớn nhờ nới rộng NIM.
Cách xa mục tiêu phấn đấu
Đại hội đồng cổ đông thường niên VietBank đã thông qua 2 kế hoạch kinh doanh trong năm 2021, bao gồm kế hoạch kinh doanh tối thiểu và kế hoạch kinh doanh phấn đấu.
Kế hoạch kinh doanh tối thiểu theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021, do NHNN giao (room tín dụng) là 51.267 tỉ đồng, tương tương tỉ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 4,5% cả năm. Theo đó, huy động từ khách hàng tăng 20,8%, đạt 84.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 390 tỉ đồng, tăng nhẹ 2,6 tỉ đồng.
Kế hoạch kinh doanh phấn đấu VietBank đưa ra trong trường hợp NHNN chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Mục tiêu VietBank muốn hướng tới là nới room tín dụng năm 2021 lên 22,3%, với tổng dư nợ tín dụng đạt 60.000 tỉ đồng. Đồng thời, tăng huy động từ khách hàng thêm 21.479 tỉ đồng lên 91.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong cả năm đạt 11.000 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 325 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 83% kế hoạch kinh doanh tối thiểu và đạt 29,5% kế hoạch phấn của ngân hàng.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng tính đến 30/6/2021 đạt 45.997 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng 3,7% so với đầu năm.
Huy động từ tiền gửi của khách hàng thực hiện được 66.967 tỉ đồng, cũng tăng 3,7% so với đầu năm.
Tổng tài sản của Vietbank tại thời điểm cuối tháng 6/2021 đạt 94.249 tỉ đồng, bằng
Như vậy, nếu so với kế hoạch theo chỉ tiêu NHNN đã giao ban đầu, Vietbank có thể dễ dàng hoàn thành hoặc vượt kế hoạch, nếu 6 tháng cuối năm kinh doanh ổn đinh và không bị “ngấm đòn” Covid-19.
Còn đối với kế hoạch phấn đấu mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua, có lẽ, VietBank cần thêm ít nhất 1 năm nữa mới có thể hoàn thành hoặc lâu hơn.
Ban lãnh đạo VietBank xác định, dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Mức độ ảnh hưởng cụ thể không thể ước tính được tại thời điểm lập báo cáo tài chính, tháng 9/2021.