Được biết, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) đã công bố Nghị quyết về phương án phát hành 3.000 tỷ trái phiếu riêng lẻ trong tháng 12 này.
Đây là trái phiếu có kỳ hạn 6 năm với lãi suất thả nổi. Theo đó, đây là lần đầu tiên Vietcombank công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2023.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đầu tháng 12 mới đây (vào ngày 4/12), ngân hàng này cũng đã tiến hành mua lại lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm, được ngày phát hành vào ngày 3/12/2021 và có thời gian đáo hạn là ngày 3/12/2028.
Đây là loại hình trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản. Trái phiếu được phát hành riêng lẻ dưới hình thức bút toán ghi sổ thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành theo quy định.
Vietcombank phát hành lô trái phiếu này với mục đích tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động và đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn của Vietcombank phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, việc phát hành trái phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính của nhà băng, đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm nay, đây là lô trái phiếu thứ 3 được Vietcombank mua lại. Trước đó, trong tháng 11, ngân hàng này đã mua lại trước hạn 200 tỷ đồng lô trái phiếu VCBH2128002 và 500 tỷ đồng trái phiếu mã VCBH2128004. Có thể thấy, trong năm 2023, Vietcombank đã chi 1.300 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
2 lô trái phiếu trên đều được phát hành vào tháng 11 năm 2021, có kỳ hạn 7 năm và thời gian đáo hạn là năm 2028. Lãi suất phát hành 6,13%/năm. Tương tự lô trái phiếu VCBH2128006, 2 mã trái phiếu đều được phát hành với mục đích nhằm tăng vốn cấp 2, bổ sung nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng.
Nợ xấu tăng mạnh
Tính tới tháng 9/2023, cho vay khách hàng tăng khiêm tốn 3,9% trong khi số dư tiền gửi có mức tăng trưởng gấp đôi 8,5% với hơn 1,3 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng này chứng kiến nợ xấu tăng mạnh khi giá trị các khoản nợ này tăng 47,1% so với quý trước và 60% so cùng kỳ, chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp mảng thương mại.
Tính đến cuối quý 3, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,21% từ mức 0,83% vào cuối quý 2/2023 và 0,80% vào cuối quý 3/2022. Theo đó, Vietcombank đã rơi xuống vị trí thứ 2 trong bảng xếp bảng xếp hạng nợ xấu.
Tổng số dư nợ tái cơ cấu trong TT02 đạt khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng (chỉ chiếm 0,14% tổng dư nợ cho vay). Tuy vậy, ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì chiến lược thận trọng và dự kiến xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng thêm 1,9 nghìn tỷ trong quý 4, cao hơn tổng giá trị đã xử lý trong 9 tháng để hạn chế nợ xấu gia tăng, qua đó làm thúc đẩy chi phí tín dụng tăng thêm từ mức 0,69% trong 9 tháng.
Cuối quý 3, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VCB vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với tỷ lệ 270%, con số này vượt xa các ngân hàng khác và trung bình ngành (94%).
Tuy vậy, ngân hàng vẫn kỳ vọng sẽ cải thiện chỉ số này tốt hơn nữa bằng cách trích lập dự phòng cao hơn và nâng lên tỷ lệ này lên 300% tại cuối năm nay.
Theo Chứng khoán VNDirect, ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm nay từ hơn 15% xuống dưới 10% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được đưa ra là do những thách thức kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu tín dụng giảm và chiến lược của Vietcombank ưu tiên chất lượng hơn tăng trưởng.
Do trong 9 tháng đầu năm Vietcombank đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 18,5%, kết quả này ngụ ý rằng quý 4/2023 có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm. Trước đó, trong quý 4/2022, ngân hàng này đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong lịch sử.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7208681729191521/?