Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5661

VNG báo lỗ thêm 220 tỷ sau kiểm toán ngay sau khi vào diện hạn chế giao dịch, thành công ty lỗ lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán

Theo như giải trình, nguyên nhân khoản lỗ sau thuế tăng lên là do doanh nghiệp này ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.

Báo cáo tự lập năm 2022 cho thấy, CTCP VNG (mã: VNZ) đã ghi nhận doanh thu đạt 7.801 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng nhẹ. Bên cạnh đó, lỗ sau thuế kỷ lục 1.315 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 lỗ 71 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VNZ sau kiểm toán giảm thêm 219 tỷ đồng, tương ứng, mức lỗ sau thuế năm ngoái của doanh nghiệp này là 1.534 tỷ đồng. Khoản lỗ ròng từ 858 tỷ đồng trước kiểm toán tăng lên thành 1.077 tỷ đồng sau kiểm toán.

Theo giải trình, nguyên nhân khoản lỗ sau thuế tăng lên là vì VNZ ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.

Trước đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2022 đạt doanh thu 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Có thể thấy trong năm 2022, doanh nghiệp này đạt 77% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế vượt xa con số dự kiến.

Trong số các doanh nghiệp lỗ lớn nhất năm 2022 trên sàn chứng khoán, đây là mức lỗ lớn thứ 4, sau 2 hãng hàng không và HAGL Agrico.

Về kết quả kinh doanh gần nhất, trong quý đầu năm 2023 VNZ tiếp tục lỗ thêm. Theo đó, trong quý, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.853 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 11%.

Tuy nhiên, vì áp lực chi phí hoạt động lớn cùng với chi phí tài chính, 544 tỷ đồng chi phí bán hàng và 337 tỷ chi phí quản lý doanh nghiệp, thêm khoản lỗ công ty liên doanh liên kết gần 27,5 tỷ đồng, VNG đã báo lỗ nhuận trước thuế 43 tỷ và lỗ sau thuế 90 tỷ đồng.

Theo VNZ, nguyên nhân khoản lỗ 90 tỷ giảm so với mức 130 tỷ hồi cùng kỳ năm trước là vì sự thành công của các sản phẩm trò chơi mới và việc tiết giảm chi phí quảng cáo.

Tính đến cuối tháng 3 năm 2023, so với đầu năm tổng tài sản của VNZ tăng nhẹ, lên 8.976 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 2.923 tỷ đồng (chiếm 33% tổng tài sản). Tài sản cố định ghi nhận 2.367 tỷ đồng (chiếm 26% tổng tài sản), đầu tư tài chính dài hạn ghi nhận 1.548 tỷ đồng (chiếm 17% tổng tài sản), các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.204 tỷ đồng, chiếm 13% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Được biết, trước khi công bố số lỗ kỷ lục tăng thêm sau kiểm toán, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa cổ phiếu VNZ của CTCP VNG kể từ ngày 25/05/2023 vào diện hạn chế giao dịch.

Theo đó, do VNZ đã chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định, cổ phiếu này sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Trong năm vừa qua, doanh nghiệp có một hoạt động đầu tư đáng chú ý khác đó  là VNG đã hoàn tất mua lại 100% tỷ lệ sở hữu của Verichains - công ty Việt Nam có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, từ các cổ đông hiện hữu với tổng giá trị chuyển nhượng là 159 tỷ đồng. Verichains có hoạt động chính là sản xuất phần mềm.

Trên thị trường chứng khoán, sau chuỗi tăng trần và chạm mức kỷ lục 1.562.000 đồng/cp vào giữa tháng 2, chốt phiên 29/5/2023 thị giá VNZ hiện chỉ còn 771.900 đồng/cp.

Được biết, VNG là tập đoàn công nghệ có hoạt động kinh doanh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. Hiện VNG có 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài (gồm thị trường Đông Nam Á, Hong Kong, Trung Quốc và Australia) với các quy định về kế toán và pháp lý khác nhau.

Tạ Ngọc