Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa thông báo chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 19.758 tỷ đồng.
Mới đây, VPBank đã được chấp thuận tăng vốn điều lên hơn 45.000 tỷ đồng (Hình ảnh minh họa)
Việc tăng vốn này được thực hiện thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua ngày 28/7.
Mới đây, Hội đồng quản trị VPBank đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng dự kiến phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu (80%), trong đó phát hành để trả cổ tức là 1,53 tỷ cổ phiếu (62,15%) và còn lại là phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu (17,85%).
VPBank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo đúng các quy định của pháp luật. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc từ ngày hoàn thành việc phát hành cổ phiếu theo quy định pháp luật, VPBank thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận một số nội dung thay đổi của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quyết định có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký.
Hiện vốn điều lệ của VPBank ở mức 25.300 tỷ đồng. Nếu tăng vốn thành công theo kế hoạch trên, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ đạt hơn 45.000 tỷ đồng, vượt loạt "ông lớn" trong ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Techcombank để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống, sau VietinBank.
Nguồn lực để VPBank tăng vốn với tỷ lệ cao một phần đến từ việc thoái vốn khỏi công ty tài chính tiêu dùng. Cuối tháng Tư, ngân hàng này và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) đã ký thỏa thuận bán 49% vốn tại FE Credit. Mức định giá FE Credit là 2,8 tỷ USD, với giá trị thương vụ bán cổ phần đạt 1,37 tỷ USD. Được biết, bên cạnh việc chia cổ tức, VPBank cũng đang có kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông nước ngoài.
Về hình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2021 cho thấy, ngân hàng này tiếp tục có thêm một quý kinh doanh hiệu quả khi hầu hết chỉ tiêu tài chính đều tăng trưởng cao.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong quý II của VPBank đạt 12.047 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý trong đó, lãi thuần từ hoạt động đầu tư chứng khoán tăng vọt lên 1.390 tỷ đồng, cao gấp hơn 14 lần. Kết thúc quý II, nhà băng này báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.031 tỷ đồng, tăng 37%.
Tính chung 6 tháng từ đầu năm, VPBank đạt 23.098 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 9.037 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 37%. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất mà ngân hàng ghi nhận được trong một kỳ tài chính 6 tháng đầu năm.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tài sản của VPBank đạt 451.767 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm; doanh thu 23.098 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.037 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 37%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB đang trong giai đoạn hồi phục. Chốt ngày 17/9, thị giá dừng ở mức 67.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường theo đó vào khoảng 165.470 tỷ đồng.