TM ·
2 năm trước
 237

Vụ lấp hồ tại quận Long Biên: Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét, giải quyết

Sau khi xem xét đơn thư của người dân về việc san lấp hồ Bà Đồ để phân lô, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của người dân đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội xem xét, giải quyết. Đồng thời, đề nghị thông báo lại kết quả cho Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ chuyển đơn thư công dân đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

Trong văn bản số 439/BTCDTW-XLĐ do ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban Ban Tiếp Công dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ ký ngày 11/3/2022 nêu rõ, Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Lan (địa chỉ số nhà 81, ngõ 252, tổ 11, đường Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cùng các công dân tổ 11, 12 phường Ngọc Thụy (có danh sách công dân gửi kèm theo đơn).

Đơn có nội dung: Kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc san lấp hồ Bà Đồ có diện tích 12.000m2 thuộc hệ thống hồ tự nhiên tại khu vực tổ 11 và tổ 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP.Hà Nội để bản đất phân lô.

Vụ lấp hồ tại quận Long Biên: Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét, giải quyết - Ảnh 1
Một góc hồ Bà Đồ ở phường Ngọc Thụy. (Ảnh: Báo Tin tức)

Theo đơn bà Nguyễn Thị Lan trình bày, bà và các công dân đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND quận Long Biên, UBND TP.Hà Nội xem xét theo quy định của pháp luật, nhưng đến nay chưa nhận được kết quả giải quyết. Nay bà Nguyễn Thị Lan và các công dân tiếp tục có đơn gửi đến Thanh tra Chính phủ (nội dung cụ thể nêu trong đơn).

Văn bản cũng nêu rõ, sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ theo quy định của pháp luật, Thông từ số 05/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh. Quy định việc tiếp nhận, xử lý đơn thư của cơ quan Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 731/QĐ-TTCP ngày 31/12/2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Lan và các công dân đến Chủ tịch UBND TP.Hà Nội để xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật. Đề nghị thông báo kết quả đến Thanh tra Chính phủ.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND Q.Long Biên, gửi UBND TP.Hà Nội, việc lấp hồ là theo quy hoạch đã được phê duyệt. Từ năm 2016, Q.Long Biên phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại các ô quy hoạch có ký hiệu A4/NO4; A8/NO1; A8/NO2; A4/HH2; A4/HH3 và các tuyến đường phụ cận theo quy hoạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn P.Ngọc Thụy. Dự án có diện tích 4,26 ha với tổng mức đầu tư hơn 117 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Q.Long Biên làm chủ đầu tư, đang tuân thủ đúng pháp luật.

Tại báo cáo này, Chủ tịch UBND Q.Long Biên cũng khẳng định, việc thoát nước trong mùa mưa tại địa phương sẽ theo nhiều hướng, cơ bản được đảm bảo. Thời gian tới, sau khi hoàn thành đầu tư cụm hồ Ngọc Thuỵ 1, 2 và 3 thì tổng diện tích hồ nước, cây xanh sẽ đạt khoảng 30 ha, hoàn toàn đáp ứng khả năng tiêu thoát nước, điều hoà không khí, tạo cảnh quan cho P.Ngọc Thuỵ cũng như Q.Long Biên.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở tổ 11 và 12, P.Ngọc Thuỵ cho rằng, cần bảo vệ hồ tự nhiên hơn là đào hồ nhân tạo. Hơn nữa, việc đào hồ nhân tạo cũng là để phục vụ gia tăng giá trị bất động sản. Khu vực đào các hồ nhân tạo cũng xa tổ 11 và 12 nên người dân địa phương không được hưởng lợi.

"Lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại"

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, hồ tự nhiên rất quý bởi diện tích mặt nước ngày một thu hẹp do lấn chiếm, đô thị hóa trong nhiều năm qua.

Do vậy, không nên lấy lý do này lý do khác để lý giải, làm sai lệch đi chức năng của hồ tự nhiên. “Nếu hồ tự nhiên mà không chống ngập, điều hòa nguồn nước thì để làm gì?” ông Tứ đặt câu hỏi và nói rằng nhân dân sống cạnh hồ là những người cảm nhận rõ nhất chức năng hồ đã điều hòa nguồn nước, chống ngập ra sao.

“Lấp hồ tự nhiên là một cách đánh đổi có hại cho môi trường cảnh quan, chứ không phải là báo động nữa. Bởi hồ tự nhiên đã lấp thì sẽ mất luôn, không bao giờ có thể khôi phục được. Chúng ta đã có rất nhiều bài học...,” ông Tứ chia sẻ thêm.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS.Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra quan điểm không đồng tình với việc lấp hồ: “Tôi được biết đến nay Hà Nội đã có nhiều lần quy hoạch về không gian hồ nước, gần đây nhất là năm 2016. Qua các quy hoạch đều xác định cần giữ lại hồ tự nhiên, nhiều hồ còn tiếp tục được khơi thông tạo độ sâu mới để đảm bảo điều tiết nước mưa, chống ngập úng.”

Đồng quan điểm trên, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, dù có diện tích mặt nước lớn nhưng trong những năm qua, Hà Nội đã lấp đi quá nhiều ao hồ tự nhiên trong khi hồ đã hình thành tự nhiên thì sẽ có chức năng điều hòa nguồn nước, tạo cảnh quan. Vì thế, không nên vì lợi ích trước mắt mà lấp hồ, bởi hệ quả của việc lấp hồ sẽ gây ra những biến động của thiên nhiên ngay lập tức như: Ngập lụt, ô nhiễm, giảm lượng nước ngầm đột ngột.

Theo ông Võ, trước đây, ở quận Tây Hồ (TP.Hà Nội) cũng đã từng có nhiều tranh cãi về câu chuyện lấp hồ tự nhiên. Tại các hội thảo khoa học, cá nhân ông được biết, Hà Nội không có chủ trương lấy thêm diện tích đất mặt nước tự nhiên.

“Những năm gần đây, khi xây dựng các dự án bất động sản lớn hay đại đô thị, chủ đầu tư còn phải múc thêm hồ để tạo cảnh quan, điều hòa nguồn nước khu đô thị, trong khi hồ tự nhiên lại đang bị chúng ta lấp bỏ không thương tiếc. Đây là câu chuyện rất đáng buồn,” GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ nỗi trăn trở.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, cả nước mới có 21/63 tỉnh, thành phố lập danh mục “hồ ao không được san lấp” với 4.481 hồ, ao đầm. Trong đó, có 3.049 hồ; 1.307 ao; 122 đầm và 3 hồ ao là di tích lịch sử.

Việc lập danh mục hồ ao không được san lấp nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…

Một số tỉnh, thành phố đã lập danh mục hồ ao không được san lấp và công bố công khai, gửi thông tin về Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: Lào Cai, Hà Giang, An Giang, Trà Vinh, Gia Lai, Vĩnh Long, Kon Tum, Sóc Trăng, Tây Ninh, Kiên Giang...

Hà Lan

Nguồn: Kinh tế Môi trường