Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa chủ trì buổi làm việc để thảo luận, đánh giá những tác động của đại dịch Covid-19 đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng, chống và khắc phục khó khăn trong trạng thái bình thường mới. Buổi làm việc được tổ chức vào ngày 18/10, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự buổi làm việc có ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy viên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Viện, trường và một số nhà khoa học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp rất tâm huyết, thầm lặng và hiệu quả vào công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Hàng ngàn nhà khoa học, hàng chục ngàn tình nguyện viên đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá, các chủ trương phòng chống dịch của chúng ta về cơ bản là đúng hướng, phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam. Để có những chủ trương, chính sách đúng đắn đó, có sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học.
Tham gia buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã báo cáo Phó Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học về những đóng góp của đội ngũ trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Xin giới thiệu nội dung bài phát biểu của đồng chí Phan Xuân Dũng:
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi thảo luận.
Ngay từ thời gian đầu, các nhà khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã luôn tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng cho ra đời các sản phẩm phòng chống Covid-19 và đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước các giải pháp phù hợp và hữu hiệu góp phần kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể là:
Tham gia trực tiếp vào các hoạt động phòng và điều trị Covid-19. Hàng ngàn hội viên của Tổng Hội Y học Việt Nam đã tình nguyện vào tâm dịch giúp các tỉnh, thành phố trong việc chăm sóc, hỗ trợ người bệnh; Tham gia các kênh tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý cho người dân đặc biệt và hướng dẫn tự điều trị cho F0, F1 cách ly tại nhà; Hội Đông y Việt Nam đã có hướng dẫn sử dụng thuốc Đông y điều trị bệnh nhân Covid-19; Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) hỗ trợ điều trị từ xa cho hàng trăm bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà tại Hồ Chí Minh khỏi không có trường hợp nào tử vong; Nhiều đơn vị tham gia thực hiện các gói hỗ trợ khẩn cấp.
Tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong phòng và điều trị Covid-19. Viện Y dược Nano đã và đang nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 nhiều thành phần kết hợp Đông - Tây y; Nghiên cứu bào chế thuốc diệt SARS-CoV-2 bằng công nghệ Nano; Viện công nghệ VinIT đã và đang nghiên cứu, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma chống đại dịch Covid-19; Viện Khoa học giáo dục và Môi trường nghiên cứu, phát triển thiết bị khử trùng không khí "Air plasma", thiết bị công nghệ đã nhận được chứng nhận FDA của Mỹ và đã giao quyền thương mại cho Công ty TNHH công nghệ air plasma Việt Nam phân phối sản phẩm; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ hóa sinh (CRTDB) và Viện nghiên cứu, Đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ (ITC) nghiên cứu quy trình sản xuất dung dịch sát khuẩn từ thảo dược để vệ sinh tay Senci Herbal Antivirus và chuyển giao cho Công ty CP sản xuất và phát triển sản phẩm hợp chất tự nhiên ALBA – Hà Nội và sản xuất từ đầu năm 2020, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ dung dịch xúc họng/miệng từ thảo mộc ORIN cho Công ty CP Dược phẩm Phương Nam…
Trung tâm phát triển bài thuốc đông y đã nghiên cứu và trang trong giai đoạn đăng ký thuốc Đông y điều trị Covid-19 và thực phẩm chức năng Hoạt huyết bổ phổi hỗ trợ người bị Covid-19; Viện Y dược học phía Nam cung cấp test Covid-19 cho các bệnh viện, nghiên cứu máy tạo oxy và chiết xuất oxy, pha chế và sản xuất dung dịch khử khuẩn nước rửa tay; Viện y học Đinh Tiên Hoàng vừa nghiên cứu thành công mô hình viêm phổi đông đặc cấp tính lan toả trên động vật thực nghiệm giống trong bệnh cảnh của Covid. Mô hình này nếu đăng ký ban quyền thành công sẽ mở hội nghiên cứu các thuốc (cả Đông y và Tây y) cho điều trị Covid-19. Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam nghiên cứu phòng dịch, và điều trị F0 không có triệu chứng...
Huy động nguồn lực góp phần phòng chống Covid-19. Nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam như Viện Nghiên cứu phát triển Xã hội (ISDS), Viện nghiên cứu dân số và phát triển (PHAD); Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI); Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống (LIFE), IESHD đã huy động nguồn lực trong nước và quốc tế góp phần phòng chống Covid-19 như huy động vật phẩm bảo hộ y tế cho nhóm đối tượng dễ tổn thương, xây dựng năng lực cộng đồng ứng phó với dịch bệnh, truyền thông nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân phòng dịch, hỗ trợ tâm lý, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu yếu tố dịch tễ, kinh nghiệm quốc tế và gửi kiến nghị, hiến kế về các biện pháp phòng chống dịch cho Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia, chính quyền địa phương... Viện nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng - Light triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, v.v..
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên thường xuyên quán triệt và tuyên truyền, phổ biến các các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác phòng chống dịch; Tích cực tham gia ủng hộ tiền và hiện vật vào Quỹ vaccince và phòng chống dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về ủng hộ Quỹ vắc xin và ủng hộ phòng chống dịch Covid-19; Tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo để tìm các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả, thay mặt các nhà khoa học, Đồng chí Phan Xuân Dũng đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
- Đề nghị các cơ quan của Đảng, Nhà nước tin tưởng hơn nữa vào các kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà, đồng thời có các giải pháp thúc đẩy cho ra đời sớm các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu thành công; Cho phép sản xuất lớn vaccine và các loại thuốc dự phòng và điều trị Covid-19, trước tiên để sử dụng cho người Việt Nam và tiến tới cho bạn bè trên thế giới. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 mà còn là một giải pháp ưu tiên phát triển KH&CN hiện đại của các nhà khoa học nước nhà ngang tầm khu vực và thế giới.
- Bên cạnh các giải pháp của Nhà nước như hiện nay, các Bộ, ngành Trung ương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam tập trung nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19 trong nước như: Tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước đảm bảo nhu cầu trong nước, nghiên cứu thuốc và phác đồ điều trị mới; Bộ Y tế cần quan tâm và phát triển các sản phẩm phòng và điều trị Covid-19 là những kết quả nghiên cứu các sản phẩm Đông y, Đông - Tây y kết hợp, vốn là thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị.
- Trong bối cảnh cấp bách chống dịch Covid-19 hiện nay, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực nghiên cứu trong nước, đề nghị Nhà nước có chính sách đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức KH&CN ngoài công lập để giúp các sản phẩm của các nhà KH&CN Việt Nam sớm phát huy được hiệu quả trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
- Cùng với các giải pháp phòng và điều trị Covid-19, Chính phủ cũng cần có Chiến lược chung sống an toàn và phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Như vậy, cùng với việc nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm, các trang thiết bị phòng và điều trị Covid-19, cần bao phủ việc tiêm vaccine cho toàn bộ người dân; Kế hoạch mở cửa trường học và các cơ sở sản xuất kinh doanh an toàn; Tăng cường các chính sách an sinh xã hội để nhiều người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, trẻ em, người già, phụ nữ và những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.
- Tăng cường và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế tham gia vào công tác phòng chống dịch như tham gia tuyên truyền phòng chống dịch, tham gia mạng lưới tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý, tham gia chăm sóc, điều trị từ xa.