Thanh Tâm ·
2 năm trước
 3572

Xây dựng kế hoạch phát thải ròng bằng 0 cho các doanh nghiệp toàn cầu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, LHQ và ISO cho rằng hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát thải ròng bằng 0 là tài liệu tham khảo giúp doanh nghiệp thực hiện các cam kết khí hậu.

Ban hành hướng dẫn về kế hoạch khí hậu của doanh nghiệp

Ngày 11/11, Liên hợp quốc và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã đưa ra hướng dẫn nhằm giúp các tổ chức xây dựng kế hoạch phát thải ròng bằng 0.

Theo đó, hướng dẫn trên do một nhóm gồm 1.200 tổ chức và chuyên gia của hơn 100 quốc gia soạn thảo. Hướng dẫn này cũng có thể là tài liệu tham khảo cho các đơn vị thiết lập tiêu chuẩn khác như Hội đồng Tiêu chuẩn bền vững quốc tế (ISSB) vốn đặt ra tiêu chuẩn cơ bản toàn cầu cho các kế hoạch khí hậu của doanh nghiệp.

Hướng dẫn được đưa ra sau khi Liên hợp quốc trong tuần này đã công bố báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, trong đó nhấn mạnh cần hành động để giải quyết tình trạng các doanh nghiệp đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 thường mang tính chất "tẩy xanh" (greenwashing), tức là khoác lên các sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách lớp vỏ bọc "thân thiện với môi trường" để đánh bóng thương hiệu. Hướng dẫn của Liên hợp quốc và ISO đưa ra các tiêu chuẩn mới để giúp giải quyết vấn đề "tẩy xanh" này.

Thế giới cần đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là ở mức 1,5 độ C. (Ảnh minh họa).

Một báo cáo mới đây của nhà kinh tế học khí hậu nổi tiếng Nicholas Stern cho thấy, các nước đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ cần 2 triệu USD/năm vào năm 2030 để cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh các nhà quản lý ngày càng tập trung vào việc giải quyết những cam kết môi trường doanh nghiệp còn yếu kém và các nhà đầu tư yêu cầu có các tiêu chuẩn toàn cầu thống nhất, Liên hợp quốc và ISO cho rằng hướng dẫn này có thể là tài liệu tham khảo chính để họ xây dựng kế hoạch phát thải ròng bằng 0.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, thế giới cần đưa mức phát thải ròng khí CO2 bằng 0 vào năm 2050 nhằm giới hạn sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là ở mức 1,5 độ C.

Được biết, một nhóm của Liên Hợp Quốc được thành lập để trấn áp việc "trốn" các cam kết chất thải ròng bằng 0 của ngành công nghiệp và chính phủ đã kêu gọi "ranh giới đỏ" ngừng hỗ trợ cho các hoạt động thăm dò nhiên liệu hóa thạch mới và sử dụng quá mức bù đắp carbon.

"Nhóm chuyên gia cấp cao", được thành lập vào tháng 3 bởi Tổng thư ký Liên hợp quốc, António Guterres, để tư vấn về các quy tắc nhằm cải thiện tính liêm chính và minh bạch trong các cam kết chất thải ròng bằng 0 theo ngành, khu vực và thành phố, cho biết các kế hoạch khí hậu phải bao gồm cắt giảm sâu nhà kính khí trước năm 2030 và không trì hoãn hành động cho đến gần năm 2050.

Doanh nghiệp Việt đối diện khó khăn và thách thức nào?

Thực tế, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, việc thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 cũng đem đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững doanh nghiệp.

Ngay sau khi Hội nghị COP26 ở Glasgow kết thúc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Phạm Văn Tấn, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính.

Đối với doanh nghiệp, rất nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng “xanh” của Việt Nam cần đa dạng nguồn vốn ngoài tín dụng ngân hàng, bao gồm: Tiện ích (năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải…), vật liệu, công nghiệp...; Các định chế tài chính cũng là một nhóm phát hành trái phiếu xanh chính để có thể on-lending lại theo các tiêu chí xanh cụ thể của nhà đầu tư. 

Do đó, để có nguồn tài chính thực hiện, Tổng Giám đốc FiinRatings (FCCA) Nguyễn Quang Thuân chia sẻ, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Chính phủ đã có cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. 

Trong khi đó đại diện Ngân hàng Nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng- Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, điều mà Việt Nam phải làm trước tiên là có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.