Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có công văn gửi các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh và sông Ba yêu cầu thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2023.
Trong thời gian từ đầu mùa cạn (16/12/2022) đến nay, về cơ bản các hồ đã vận hành đảm bảo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn. Tuy nhiên, để đảm bảo các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2023, Cục Quản lý tài nguyên nước đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thực hiện chế độ quan trắc, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả hợp lý; bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn, đầu mùa lũ.
Thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ở hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn năm 2023
Cùng với đó, các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa tại các lưu vực sông trên cần thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin, số liệu vận hành hồ lên Hệ thống quản lý dữ liệu vận hành hồ của Cục Quản lý tài nguyên nước (https://quanly.dwrm.gov.vn/hochua).
Chế độ vận hành các hồ chứa đảm bảo yêu cầu sau: Trong điều kiện thời tiết bình thường, các đơn vị thực hiện cung cấp số liệu vận hành hàng giờ vào các thời điểm 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ.
Khi có dự báo, các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh và sông Ba phải cảnh báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ thực hiện cung cấp số liệu vận hành tối thiểu 1 giờ/1 lần.
Hiện nay, lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, bao gồm các hồ, đập sau: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 2, Sông Bung 6, A Vương 3, Za Hung, Đắk Mi 2, Đắk Mi 3, Đắk Mi 4b, Đắk Mi 4c, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4, Khe Diên, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2, đập An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt, Bàu Nít và Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Lưu vực sông Trà Khúc bao gồm các hồ: Đakđrinh, Đăk Re, Nước Trong, Sơn Trà 1, Sơn Tây, Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ, An Khê, Ka Nak, Ia M’lá, ĐăkSrông, ĐăkSrông 2, ĐăkSrông 2A, ĐăkSrông 3A, ĐăkSrông 3B.
Lưu vực sông Kôn-Hà Thanh có các hồ: Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1, Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh và Văn Phong.
Thực tế, việc xây dựng công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình xây dựng và khai thác, vận hành thì có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất, đe dọa sự an toàn của vùng hạ lưu.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu rõ, hiện nay, nước ta có trên 7.500 hồ đập, thủy lợi và thủy điện; đưa vào vận hành khai thác tổng dung tích 70 tỷ mét khối nước; có 437 hồ đập thủy điện đang hoạt động.
Có thể nói, hồ đập thủy điện, thủy lợi góp phần đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần cắt lũ, điều tiết nước cho mùa cạn và góp phần tạo nguồn điện rất lớn.
Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình hồ đập, thủy điện có tác động tiêu cực đến môi trường, vì các công trình này đa số được xây dựng ở các khu vực miền núi, trung du; đồng thời, việc xây dựng tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá, nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.
Để vận hành các hồ chứa khai thác tối đa nguồn nước phục vụ đa mục tiêu đồng thời nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, công tác dự báo khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp các thông tin nhận định, dự báo trước diễn biến mưa, lũ để lập các kế hoạch vận hành hồ chứa từ ngắn hạn đến dài hạn.
Trao đổi về vấn đề này, TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, Chính phủ đã ban hành 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa trong đó đã quy định trách nhiệm cho nhiều đơn vị liên quan. Quy trình vận hành liên hồ chứa trong những năm qua đã mang lại hiệu quả và góp phần giảm đáng kể tác hại do mưa lũ, hạn hán gây ra. Song, trên thực tế mặc dù trong quy trình đã quy định rõ thẩm quyền, khung quy định vận hành các hồ chứa trong các thời kỳ, trong các trường hợp, nhưng hiệu quả công tác phối hợp liên ngành còn chưa cao. Một số khu vực còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa, khó khăn trong công tác xây dựng phương án phòng, chống lũ, đặc biệt là việc đưa ra các quyết định kịp thời trong các tình huống khẩn cấp. |