Sáng kiến “phân loại rác” cập bến trường tiểu học
Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới, Thành đoàn - Hội đồng Đội TP. Hà Nội phối hợp với Sở GD&ĐT, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco, Đoàn Thanh niên quận Ba Đình và Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức Lễ khánh thành công trình “Nhà phân loại rác thân thiện” năm 2023.
Về hình thức, công trình có thiết kế sinh động, bắt mắt thu hút sự chú ý của thiếu nhi; đồng thời công trình cũng thiết lập cấu tạo tương đối chắc chắn từ các chất liệu có độ bền cao như: khung thép, tấm ốp xi măng vĩnh tường,...
Về sứ mệnh, đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục cho thiếu nhi Thủ đô nâng cao nhận thức, hiểu biết về các loại rác và cách thức xử lý đối với từng loại rác khác nhau như rác thải vô cơ, rác thải hữu cơ, rác thải gây nguy hại đối với môi trường. Từ cơ sở đó góp phần thực hiện tốt công tác thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn, góp phần giữ gìn môi trường Thủ đô sáng - xanh – sạch – văn minh.
“Nhà phân loại rác thân thiện” tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Hà Nội mới)
Thành công bước đầu của chương trình chính là kêu gọi được nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng trị giá lên tới 45.000.000 đồng. Theo Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Hà Nội Đào Đức Việt, việc triển khai mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện” tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm đầu tiên để các trường khác trên địa bàn thành phố học tập kinh nghiệm.
Trong năm 2023, Chương trình dự kiến tiếp tục triển khai tại 3 điểm trường, phấn đấu trong 2 năm 2023 - 2024 sẽ triển khai đồng loạt tại các nhà trường trên toàn thành phố. Về quy trình, tần suất thu gom, vận chuyển tại các điểm trường, Urenco sẽ xây dựng lịch làm việc chi tiết đối với từng trường để thống nhất thời gian thu gom rác tái chế; thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn, truyền thông tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phân loại rác cho học sinh tại các trường vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa hoặc theo lịch đăng ký của trường.
Nhân rộng văn hóa phân loại rác trong học đường
Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trở thành việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Ban đầu, chương trình phân loại rác được triển khai thí điểm ở khá nhiều địa phương, tuy vậy, việc tái định hình thói quen sống của cả một cộng đồng là vô cùng khó khăn. Bởi, cái lợi cái tiện trước mắt vẫn luôn đi trước cái mới, cái có ích một bước.
Để công tác phân loại rác đi vào thực chất thì bên cạnh củng cố nhận thức của cộng đồng người trưởng thành cũng cần bắt đầu xây dựng thói quen cho cộng đồng nhỏ tuổi. Theo đó, môi trường phù hợp và quen thuộc nhất với cộng đồng này chính là trường học.
Trước khi “Nhà phân loại rác thân thiện” cập bến, Trường Tiểu học Hoàng Diệu đã hiện thực hóa các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường như một chương trình học bắt buộc hàng tuần trong nhà trường. Theo đó, học sinh có cơ hội thực hành thường xuyên công việc phân loại rác thải dưới sự hướng dẫn của thầy cô và bạn bè. Ban Giám hiệu cũng thường tuyên dương các tập thể hoặc cá nhân có thành tích tốt, hoạt động tích cực, hiệu quả. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao mô hình “Nhà phân loại rác thân thiện” rất được hưởng ứng tại trường dù chỉ mới ra mắt.
Các em học sinh được tìm hiểu về quy trình phân loại rác. (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó là dự án “Một giây hành động, bảo vệ môi trường” do Tetra Pak khởi xướng, cùng phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở TN&MT và các đơn vị đối tác. Cụ thể, dự án phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 3.000 trường học tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh. Chương trình đã giúp phân loại, thu gom và tái chế triệt để khoảng 500 tấn (tương đương 50 triệu) vỏ hộp sữa, đã tác động tích cực đến khoảng 2 triệu người về việc phân loại rác tại nguồn.
Ngoài ra còn có một số dự án nổi bật như “Mô hình 100 đồng”, “Nhân văn xanh - Thùng rác ‘khoác áo mới’’’, “Hành động nhanh - Cuộc sống xanh’’,... Mỗi một dự án lại có một màu sắc riêng biệt, song tất cả đều hướng về một mục tiêu chung. Đó là phổ biến các kiến thức và những hoạt động thiết thực về rác và phân loại rác cho các em học sinh, từ đó vô hình trung xây dựng một lối sống xanh - sạch - văn minh tại các cơ sở giáo dục, hay nói cách khác là nền tảng quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ sau này.