Thanh Xuân ·
2 năm trước
 1917

Xây nhà trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu: Xử lý như thế nào?

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn giữ được hiện trạng nguyên vẹn. Thế nhưng đang có tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm khu bảo tồn này. Vậy để hiện trạng này xảy ra thì câu hỏi trách nhiệm sẽ được đặt ra cho ai?

Hàng loạt sai phạm tông tác quản lý, khoán đất rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu tại Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang là khu rừng nguyên sinh ven biển còn lại tương đối nguyên vẹn về hiện trạng duy nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng, điều đáng buồn là trong công tác quản lý, sử dụng diện tích đất được giao cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán đất rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện hàng loạt sai phạm.

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Internet

Theo Công Luận ghi nhận, ban quản lý khu bảo tồn đã ký hợp đồng giao khoán cho 12 tổ chức, song có 9 tổ chức được ký với tổng diện tích 352,06 ha không đúng đối tượng theo quy định. Trách nhiệm thuộc giám đốc BQL khu bảo tồn qua các thời kỳ từ năm 1995 - 2017. 

Ban quản lý còn ký hợp đồng giao khoán cho 73 cá nhân (từ ngày 1/4/2005 đến năm 2019) với diện tích 716,36 ha cũng không đúng đối tượng được nhận khoán với diện tích hơn 716 ha. Trách nhiệm thuộc giám đốc BQL khu bảo tồn qua các thời kỳ. 

Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xác định việc giao khoán cho 3 tổ chức (diện tích lớn hơn 30 ha) và 31 cá nhân (diện tích lớn hơn 15 ha) là không phù hợp theo quy định tại Nghị định 168/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, khu bảo tồn chưa rà soát, xử lý đối với các trường hợp này, và trách nhiệm thuộc giám đốc BQL khu bảo tồn từ 2017 đến nay.

Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn phát hiện có 48 tổ chức, cá nhân nhận hợp đồng khoán trên đất trồng cây rừng nhưng có trồng xen kẽ các loại cây ngắn ngày, cây nông nghiệp lâu năm, cây ăn trái. Việc này vẫn kéo dài đến thời điểm hiện nay là không đúng quy định.

Xây dựng trái phép trong khu bảo tồn

Đáng chú ý, có 6 tổ chức, 8 cá nhân sau khi nhận khoán đã có hành vi xây dựng trái phép hoặc để cho các đối tượng bên ngoài vào lấn chiếm, xây dựng trái phép. Thậm chí một số đối tượng mặc dù không phải người nhận giao khoán nhưng đã có hành vi lấn chiếm, xây dựng nhà trên đất của các hộ nhận giao khoán. 

Những đối tượng này đã bị UBND xã Bình Châu lập biên bản vi phạm tuy nhiên chưa được giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, việc thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm về pháp luật đất đai thuộc UBND cấp huyện. Do đó, cần phải giao UBND H.Xuyên Mộc để xử lý dứt điểm. Việc chưa kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng khoán của đối tượng nhận khoán thuộc trách nhiệm của giám đốc BQL khu bảo tồn và việc xử lý vi phạm về đất đai thuộc trách nhiệm của UBND các cấp.

Đặc biệt, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn xác định trên phần diện tích nhận giao khoán của ông Đặng Thanh Minh - nguyên Chủ tịch HĐND H Xuyên Mộc có khoảng hơn 5.900 m2 đất nằm bên ngoài tường rào khu bảo tồn dẫn đến dễ bị lấn chiếm.

Về câu chuyện này, trước đây đã từng có thông tin về nghi vấn có hay không việc Chủ tịch HĐND H Xuyên Mộc biến đất rừng thành nhà riêng khi khu đất rừng này được trồng cây kiểng, cây dừa mà không trồng cây rừng. Khu đất có mặt tiền đường ven biển dài khoảng 200 m, một mặt khác giáp đường đi Dốc Lết dài khoảng 300 m. Vì thế, ai đi ngang qua cũng trầm trồ tưởng đây là ngôi biệt thự giữ “đất vàng” mà không biết đây chính là đất khu bảo tồn. 

Kì lạ hơn là giữa khu đất còn có căn nhà rộng hơn 100 m2 xây dựng trái phép hơn 10 năm. Lực lượng chức năng nhắc nhở nhiều lần nhưng Chủ tịch HĐND H Xuyên Mộc thời điểm này là ông Đặng Thanh Minh không tự nguyện tháo dỡ. 

Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu

Căn nhà ông Minh xây dựng trái phép, xung quanh là cây kiểng, vườn dừa trong khu bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: Thanh Niên

Do đó, cần phải kiểm tra, làm rõ việc trước đây Ban quản lý khu bảo tồn vào thời điểm xây dựng tường rào bảo vệ rừng đặc dụng, nhưng đến vị trí đất giao khoán cho ông Đặng Thanh Minh thì có một phần diện tích đưa ra bên ngoài tường rào. Vì sao phần đất này lại bị đưa ra ngoài tường rào? Cần phải kiểm tra, đo đạc chính xác nguồn gốc đất đai để giữ đất khu bảo tồn, không để tiền lệ xấu trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên trong tương lai. 

Thêm nữa, với những trường hợp ký hợp đồng giao khoán không đúng quy định như đã kể trên mà trách nhiệm thuộc về giám đốc BQL khu bảo tồn từng thời kì, thì khi phát hiện ra sai phạm sẽ tiến hành xử lý, xử phạt, có tiến hành truy thu như thế nào?