Minh Anh ·
30 tuần trước
 8068

Xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng trên thế giới. Tuy nhiên, do quản lý thiếu đồng bộ, công nghệ khai thác lạc hậu, nhất là việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm tài nguyên chưa hợp lý… đang là những nguyên nhân dẫn đến lãng phí nguồn lực quốc gia, tài nguyên bị suy thoái, cạn kiệt, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035. Giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản; khai thác hiệu quả tài nguyên nước và kinh tế rừng là xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Với diện tích tự nhiên hơn 331 nghìn km2, bờ biển dài hơn 3.260 km, Việt Nam có sự đa dạng về địa chất, địa hình, tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú về chủng loại, một số loại có trữ lượng lớn như dầu, khí, than, sắt, đồng, bô-xít, chì, kẽm, thiếc, a-pa-tít, đất hiếm, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng... Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác phục vụ cho nhu cầu trong nước và một số cho xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam còn có nhiều hệ sinh thái rừng, với sự đa dạng và phong phú về các loài động vật, thực vật, với khoảng hơn 42 nghìn loài sinh vật đã được xác định…

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng: Mặc dù Việt Nam có nhiều loại khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết không nhiều. Tổng lượng nước mặt (khoảng 830 tỷ m3/năm), nước dưới đất (khoảng 63 tỷ m3/năm) là khá lớn, do địa hình hẹp, nhiều vùng dốc ra biển, đặc biệt hơn 60% lượng nước mặt có nguồn gốc từ nước ngoài, cho nên tình trạng thiếu nước cục bộ theo vùng, theo mùa vẫn thường xuyên xảy ra, có lúc, có nơi hết sức gay gắt tại nhiều địa phương.

Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho thấy: Cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn, nhỏ đang khai thác, nhưng do các mỏ khoáng sản nhỏ nằm phân tán không được quản lý thống nhất, đồng bộ dẫn đến tình trạng thất thoát nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng, nhất là việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu đã gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển. Kết quả điều tra, nghiên cứu về tổn thất trong khai thác, chế biến khoáng sản do Bộ TN và MT thực hiện cho thấy: Độ thu hồi quặng vàng trong chế biến (tổng thu hồi) chỉ đạt từ 30 đến 40%; mức độ tổn thất trong khai thác a-pa-tít từ 26 đến 43%; khai thác quặng kim loại từ 15% đến 30%; vật liệu xây dựng từ 15% đến 20%...

Ảnh minh họa.

Giảm phụ thuộc vào khai thác khoáng sản

Trong những năm qua tại Việt Nam, nguồn lực tài nguyên khoáng sản đã phát huy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước kiểm soát tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Sau hơn 10 năm (2011 – 2022), tỷ lệ đóng góp của ngành khai khoáng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6,4% đã giảm xuống còn 2,8%. Điều này cho thấy, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đang bớt phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Theo phương pháp phân tích dòng vật liệu, để tạo ra một nghìn đồng GDP cần tiêu tốn hết khoảng 19,19g than đá hoặc 0,25g sắt, thép hoặc 1,6g dầu thô. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh mức độ phụ thuộc của nền kinh tế và nguyên liệu thô đã giảm dần.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với lĩnh vực khai thác, chế biến than, xi măng... Điều này thúc đẩy các ngành phát triển theo hướng bền vững, giảm tiêu hao điện, năng lượng, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Chính sách đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từng bước đi vào thực tiễn cũng góp phần chuyển hóa nguồn tài nguyên khan hiếm này, không tái tạo thành nguồn lực và đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển chung. Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn chưa tận dụng và sử dụng các hiệu quả khoáng sản đi kèm như đất đá thải bỏ từ hoạt động khai thác, đặc biệt là những loại khoáng sản chiến lược phục vụ cho phát triển năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao...

Chú trọng quản lý tài nguyên nước

Về tài nguyên nước, Việt Nam đã chú trọng tăng cường, quản lý an ninh nguồn nước, đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong việc đôn đốc các địa phương thực hiện quy định về hạn chế khai thác nước dưới đất; Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước… góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi theo hướng sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Tính đến hết năm 2021, lượng nước khai thác sử dụng của các công trình đã được cấp giấy phép khoảng 40,69 tỷ m3/năm chiếm xấp xỉ 8% tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam. Trong đó lượng nước mặt khoảng 39,05 tỷ m3/năm và lượng nước dưới đất khoảng 1,64 tỷ m3/năm. Theo mục đích sử dụng, tổng lượng nước tưới khoảng 20,43 tỷ m3/năm, sinh hoạt và công nghiệp khoảng 20,26 tỷ m3/năm.

Tiềm năng thủy điện của Việt Nam là khá lớn, tập trung chủ yếu trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Đồng Nai, Vu Gia - Thu Bồn... Trên phạm vi cả nước hiện có 493 dự án thuỷ điện (đến đầu năm 2021) đã được đưa vào vận hành, khai thác với tổng công suất lắp máy là 20.603MW, chiếm khoảng 30% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia. Tổng dung tích các hồ chứa trên 54 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa cả nước.

Mặc dù vậy, hiệu quả sử dụng tài nguyên nước của Việt Nam còn thấp so với thế giới và khu vực. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, với mỗi một đơn vị m3 nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla…

Khai thác hiệu quả kinh tế từ rừng

Ngoài tiềm lực về tài nguyên nước và tài nguyên khoáng sản, hiện nay, nguồn sinh khối lớn nhất của Việt Nam là rừng. Với tổng diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán là 14.745.201 ha, trong đó, rừng tự nhiên là 10.171.757 ha; Rừng trồng là 4.573.444 ha. Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt hơn 42%.

Các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, cho phép người dân, doanh nghiệp khai thác kinh tế nhằm mục tiêu bảo vệ rừng hiệu quả và phát triển rừng bền vững đối với một số loại rừng. Một số địa phương đã ban hành quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phát triển nhanh và ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ trong nước mà còn có giá trị xuất khẩu bền vững. Hàng năm nước ta sử dụng khoảng 35 triệu m3 gỗ rừng trồng; nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn. Diện tích rừng trồng sản xuất đáp ứng gần 80% nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu trong chế biến.

Theo Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn năm 2050, định hướng phát triển nền công nghiệp chế biến gỗ sẽ đi theo hướng phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến lâm sản theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, thông minh, hiệu quả, an toàn, ít phát thải và bền vững. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chế biến gỗ sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp khi gắn kết giữa việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ với bảo vệ tài nguyên rừng.

Nhìn chung, trong thời gian tới, Việt Nam cần có giải pháp chiến lược để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, giảm thiểu áp lực về nguồn cung các nguyên liệu, vật liệu cho hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các nguyên liệu đầu vào chính của hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng địa phương như khoáng sản, nước và nguồn tài nguyên sinh khối.

Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam

Thực trạng phát triển ở nước ta cho đến nay về thực chất vẫn còn là mang tính chất “nâu”, nghĩa là sự phát triển mà trong đó tăng trưởng, phát triển kinh tế dựa nhiều vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường vượt quá ngưỡng tự phục hồi của tự nhiên, ngưỡng tiếp nhận chất thải của môi trường, gây tổn hại, ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội thì sự chuyển (tuy là dần) sang xanh và bền vững đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức... . Sự tăng trưởng kinh tế nước ta thời gian qua đã và đang được đánh giá là ấn tượng, chắc chắn chưa thể coi là hướng vào bền vững khi tính đủ những hao hụt, tổn thất về tài nguyên môi trường. Đã có ý kiến rằng, mức tăng trưởng ấy có được là do “chuyển lỗ vào tài nguyên và môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam, nhất là quản lý tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập.

Quản lý tài nguyên ở Việt Nam đang có những hạn chế nhất định, trong đó có sự suy giảm của hoạt động giám sát, điều phối và thực thi chính sách. Một trong những nguyên nhân là sự thiếu vắng năng lực đo lường các yếu tố cần giám sát; sự phối hợp thiếu hiệu quả, trách nhiệm giữa các cấp ngành, địa phương có liên quan.

Theo đó, các giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý cần bắt đầu từ nâng cao năng lực thể chế, tăng cường giá trị sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên trong phát triển kinh tế và đảm bảo các vấn đề xã hội, ưu tiên các chính sách nhằm giảm mức độ tác động ô nhiễm, suy kiệt đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao khả năng quản lý rủi ro, tăng cường an ninh các nguồn tài nguyên thiên nhiên... Quản lý toàn diện tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam cũng cần được tiến hành liên tục, trên quy mô lớn, theo lộ trình hợp lý, tổng thể với hệ thống dữ liệu, thông tin quốc gia đầy đủ, minh bạch, làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách quản lý liên quan.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6892183440841353/