Long Mai ·
3 năm trước
 3476

Xử lý chất thải y tế ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Để triệt tiêu ảnh hưởng lên sức khỏe của chất thải y tế, tiêu diệt các mầm bệnh nguy hại hiện nay, các cơ sở y tế đang áp dụng nhiều biện pháp xử lý.

Theo một nghiên cứu gần đây, tổng lượng chất thải y tế phát sinh tại mỗi bệnh viện trung bình là 1,77 ± 0,90kg/giường bệnh/ngày, trong đó lượng chất thải y tế thông thường chiếm tỷ trọng cao nhất (1,53 ± 0,83kg/giường bệnh/ngày), tiếp đến là chất thải y tế lây nhiễm (0,22 ± 0,15kg/giường bệnh/ngày), thấp nhất là chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm (0,02 ± 0,04kg/giường/ngày).

Trong thành phần của chất thải lây nhiễm có thể chứa đựng một lượng lớn các tác nhân vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B, virus SARS-CoV-2. Các tác nhân truyền nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua da (vết trầy xước, vết đâm xuyên hoặc vết cắt trên da), các niêm mạc (màng nhầy), đường hô hấp (do xông, hít phải), đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).

Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng chất thải hóa học và dược phẩm có thể gây ra các nhiễm độc cấp, mãn tính, chấn thương và bỏng. Hóa chất độc hại và dược phẩm ở các dạng dung dịch, sương mù, hơi, có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường da, hô hấp, tiêu hóa gây bỏng, tổn thương da, mắt, màng nhầy đường hô hấp và các cơ quan trong cơ thể như gan, thận.

Các chất khử trùng, thuốc tẩy như clo, các hợp chất natri hypoclorua có tính ăn mòn cao. Thủy ngân khi xâm nhập vào cơ thể có thể liên kết với những phân tử như axit nucleic, protein… làm biến đổi cấu trúc và ức chế hoạt tính sinh học của tế bào. Nhiễm độc thủy ngân có thể gây thương tổn thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó diễn đạt, giảm sút trí nhớ và nặng hơn nữa có thể gây liệt, nghễnh ngãng, với liều lượng cao có thể gây tử vong.

Chất gây độc tế bào có trong chất thải y tế các cơ sở điều trị ung thư có thể xâm nhập vào cơ thể con người bằng các con đường như tiếp xúc trực tiếp, hít phải bụi và các sol khí, qua da, đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với chất thải dính thuốc gây độc tế bào, tiếp xúc với các chất tiết ra từ người bệnh đang được điều trị bằng hóa trị liệu.

chất thải y tế

Xử lý chất thải y tế. Ảnh: Internet

Để triệt tiêu ảnh hưởng lên sức khỏe của chất thải y tế, tiêu diệt các mầm bệnh nguy hại hiện nay, các cơ sở y tế đang áp dụng nhiều biện pháp xử lý. Thông dụng nhất là dùng nồi hấp, lò vi sóng, thiêu đốt và chôn lấp.

Nồi hấp tại các bệnh viện hoặc tại các khu xử lý tập trung có khả năng xử lý nhiều loại chất thải lây nhiễm, các dụng cụ dính máu hoặc dịch cơ thể, chất thải từ phòng điều trị cách ly, chất thải phẫu thuật, chất thải phòng xét nghiệm (trừ chất thải hóa học) và chất thải “mềm” (bao gồm băng, gạc, chăn, gối, màn, đệm, ga trải giường và quần áo) từ chăm sóc bệnh nhân. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại nồi hơi xử lý rác thải y tế được giới thiệu từ quy mô lớn phù hợp với các cụm xử lý chất thải đến quy mô nhỏ phù hợp với các trạm y tế xã. Chất thải sau khi xử lý bằng nồi hấp, nếu có yêu cầu sẽ được xử lý cơ học như băm hoặc nghiền, sau đó đem đi xử lý chung với chất thải đô thị. Băm nhỏ sẽ làm chất thải giảm thể tích từ 60 - 80%.

Công nghệ vi sóng có khả năng xử lý được nhiều loại chất thải lây nhiễm, bao gồm cả các dụng cụ dính máu hoặc dịch cơ thể, chất thải từ phòng điều trị cách ly, chất thải phẫu thuật, chất thải phòng xét nghiệm (trừ chất thải hóa học) và chất thải “mềm" từ chăm sóc bệnh nhân. Đây là công nghệ xử lý chất thải y tế thân thiện với môi trường. Hiện nay rất nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã được trang bị công nghệ này. Chất thải y tế nguy hại sau khi xử lý bằng lò vi sóng được coi là chất thải thông thường và xử lý cùng với chất thải sinh hoạt.

Thiêu đốt là quá trình oxy hóa khô nhiệt độ cao và kết quả là tiêu diệt hết mầm bệnh, giảm đáng kể thể tích và trọng lượng chất thải. Nhược điểm của công nghệ thiêu đốt là làm phát sinh các chất khí, bụi vào môi trường không khí và tro xỉ. Chất thải y tế khi đốt cháy tạo ra khí thải chứa hơi nước, carbon dioxide (CO), nitrogen oxide (NOx), các chất dễ bay hơi (kim loại, axit halogen, các sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn), bụi và tro xỉ. Đây được coi là công nghệ không thân thiện với môi trường. Hiện nay tại các nước ở châu Âu công nghệ đốt chất thải y tế đã bị cấm.

Các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, trạm y tế xã không có điều kiện xử lý bằng công nghệ, thì chôn lấp an toàn chất thải tại cơ sở y tế là giải pháp được lựa chọn để thực hiện. Tuy nhiên, việc chôn lấp phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý môi trường chấp thuận. Đối với các loại chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm như dược phẩm quá hạn, hóa chất độc, chất chứa kim loại nặng thì cơ sở y tế thường phải ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị hoặc đơn vị đã được ngành TN&MT cấp phép để xử lý riêng.

Nguồn