Thanh Tâm ·
1 năm trước
 4631

Xử lý rác thải tại TP.HCM: 70% vẫn là chôn lấp

Lượng rác thải sinh hoạt tại TP.HCM tăng nhanh, khoảng 10%/năm. Tuy nhiên cho đến nay, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt của thành phố vẫn là chôn lấp.

Theo thống kê của Sở TN&MT TP.HCM, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố đã đạt mức hơn 9.700 tấn/ngày. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm lễ, Tết, lượng rác thải tăng lên hơn 11.000 tấn/ngày.

Lượng rác thải sinh hoạt tăng nhanh, khoảng 10%/năm, nhưng việc xử lý rác vẫn theo cách cũ. Trong đó, 70% là chôn lấp, 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ.

Đáng chú ý, trong số 30% rác tái chế có tới 50% lượng rác không xử lý hết vẫn phải đem chôn lấp. Như vậy, sau hàng chục năm quy hoạch, tìm kiếm giải pháp xử lý rác, đến nay công nghệ xử lý rác không có nhiều thay đổi ở thành phố này. Rác vẫn chủ yếu là mang đi chôn lấp gây nguy cơ ô nhiễm thứ phát và không đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra.

Lượng rác thải sinh hoạt tại TP.HCM tăng nhanh, nhưng đến 70% là chôn lấp, còn 30% được tái chế và đốt công nghệ cũ

Giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những mục tiêu quan trọng của TP.HCM. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, TP.HCM phải chuyển đổi ít nhất 50% lượng rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp sang đốt phát điện. 

Để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ năm 2019-2020, TP.HCM đã phê duyệt hàng loạt dự án đầu tư hoặc chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt phát điện. Cuối năm 2019, thành phố đã đồng loạt khởi công 2 nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày) và Tập đoàn Vietstar (có công suất xử lý 2.000 tấn/ngày).

Đến năm 2020, một nhà máy xử lý rác thải khác thuộc Công ty Tasco (có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, 500 tấn chất thải công nghiệp/ngày, 120 tấn chất thải nguy hại/ngày) được chính thức khởi công.

Cũng trong năm 2020, TP.HCM hoàn tất quá trình thẩm định phương án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải khối lượng 2.000 tấn từ công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, thu khí gas của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Không dừng lại ở đó, bộ tiêu chí để đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 1.000 tấn/ngày cũng đã được hoàn thành.

Theo tính toán của Sở TN&MT TP.HCM, nếu các dự án trên đi vào hoạt động thì đến năm 2021, lượng rác thải chôn lấp của TP.HCM sẽ giảm còn 50%, đúng như mục tiêu mà thành phố đã đề ra. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có nhà máy xử lý đốt rác phát điện nào đi vào hoạt động.

Tại buổi giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn, giai đoạn 2016-2021, đại diện Sở TN&MT Thành phố cho hay, 2 dự án đốt rác phát điện của Thành phố là các dự án chuyển đổi công nghệ của các nhà máy hiện hữu do Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư Tâm Sinh Nghĩa thực hiện.

Hiện các công ty đã bắt tay vào triển khai một số việc. Cụ thể, Công ty Vietstar đã đầu tư dự án sàn phân loại rác. Tuy nhiên, 2 dự án còn vướng ở chỗ phải chờ Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt thì Bộ Xây dựng mới cấp cho các công ty giấy phép xây dựng. Trong cuộc họp gần đây nhất, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường đã giao Sở Xây dựng tham mưu trình Bộ Xây dựng xem xét có cơ chế cấp phép tạm trong khi chờ Quy hoạch Điện VIII.

Ngoài 2 dự án này, Công ty Xử lý rác thải Việt Nam (VWS) cũng nằm trong các dự án chuyển đổi. Định hướng của TP.HCM là đến năm 2025, 80% lượng rác phải được xử lý bằng công nghệ tiên tiến là đốt phát điện và tái chế.