Chiến Chiến ·
1 năm trước
 10613

Những ngân hàng nào bị tố bán bảo hiểm đội lốt 'tiết kiệm đầu tư'?

Người dân đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng nhiều người (nhất là người lớn tuổi ) đã nói bị nhân viên dụ thành "bảo hiểm nhân thọ".

Hàng loạt khách hàng cùng khiếu nại bị lừa

Trước đó vào tháng 6/2021, chị Đỗ Như Hương lần đầu biết tới sản phẩm "Tâm An đầu tư" khi đến chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tại Hà Nội đáo hạn sổ tiết kiệm. Chị Hương cho biết, nhân viên SCB gợi ý chuyển sang hình thức tiết kiệm đầu tư linh hoạt kỳ hạn 6 năm, được rút trước hạn và hưởng lãi suất cao hơn. Dù chị đã nhiều lần tỏ ý nghi ngờ nhưng nhân viên SCB vẫn khẳng định sản phẩm đó bảo hiểm nhân thọ mà là tiết kiệm kết hợp đầu tư. Bên cạnh đó, có nhiều khách hàng cũng đã chuyển sang hình thức này vì tỷ suất sinh lời tốt và dòng tiền linh hoạt hơn tiền gửi thông thường.

Mãi đến khi hãng bảo hiểm Manulife gửi thông báo đến, yêu cầu đóng thêm khoản phí 50 triệu đồng để duy trì hợp đồng bảo hiểm, lúc đó chị mới biết không có khoản tiết kiệm nào ở đây cả. Số tiền 110 triệu đồng đã được bỏ vào sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư của Manulife, trong đó có khoản phí bảo hiểm cơ bản đóng hàng năm (50 triệu), còn lại phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư (60 triệu).

Chị cho hay, nhân viên ngân hàng cam kết mức lãi 9,5% một năm, thế nhưng mãi sau đó chị mới nhận ra mình phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi đầu tư, thậm chí khoản tiền đầu tư này có lúc lỗ mấy chục phần trăm.

Không chỉ chị Hương, hàng loạt khách hàng của SCB ở khắp các tỉnh thành, như TP HCM, Hà Nội đang làm đơn khiếu nại vì "tiết kiệm đầu tư biến thành bảo hiểm". Trong đó, có nhiều khách hàng là người cao tuổi.

Trong đơn khiếu nại cho biết, nhiều người được nhân viên SCB chào mời sản phẩm tiết kiệm "Tâm an đầu tư" do họ kết hợp với Manulife. Nhân viên nói khi tham gia sản phẩm này sẽ tặng kèm quyền lợi bảo hiểm tử vong. Tuy nhiên, một số trường hợp khác nói rằng tư vấn viên chưa bao giờ đề cập đây là bảo hiểm nhân thọ.

Danh sách khách hàng của SCB làm đơn khiếu nại tập thể gửi lên Manulife vào sáng 21/2. Nguồn ảnh: Internet

Không chỉ ở SCB, nhiều khách hàng của một số nhà băng khác cũng bị nhân viên tư vấn sai lệch khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, các ngân hàng này cũng đều đã ký hợp tác bán chéo bảo hiểm độc quyền tại hệ thống của mình.

Một khách hàng của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) - Thanh Thảo (Hà Nội) cho biết, nhân viên nhà băng mời chào nói rằng nay là ngày cuối được tặng vàng khi tham gia gói tiết kiệm đầu tư , chị thảo bị thuyết phục. Tuy nhiên, tư vấn viên giải thích gói tiết kiệm đi kèm bảo hiểm nhân thọ bắt buộc, thế nhưng cũng không hề tư vấn bất kỳ thông tin gì về hợp đồng bảo hiểm kèm theo.

Tiếp theo, Chị Đỗ Hồng Anh (Hà Nội) cũng là một khách hàng đã tham gia bảo hiểm Sun Life qua tư vấn của TPBank. Chị cũng đã khiếu nại lên Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Theo chị, nhân viên tư vấn không trung thực khi giao kết hợp đồng.

Theo đơn tố cáo của chị Hồng Anh, chị nhận được lời tư vấn của nhân viên nói đây là sản phẩm đầu tư liên kết giữa TPBank với công ty bảo hiểm Sun Life tên là Sun Sống sung túc, sau 6 năm sẽ được nhận gốc lẫn lãi với mức sinh lời 8,7% một năm. Trong đó, tiền sẽ được đem đầu tư lấy lãi, nếu cần có thể rút trước một khoản từ năm thứ tư. Chị nhấn mạnh là không hề được nhân viên nhắc đây là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong suốt thời gian tư vấn. Tới sau này, chị Hồng Anh mới biết toàn bộ 90 triệu chị bỏ vào là khoản phí bảo hiểm, không hề có bất kỳ khoản tiền nào phân bổ vào đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng cũng thừa nhận mình không được tư vấn không đúng và đầy đủ từ đầu. Khách hàng không ý thức được sản phẩm "tiết kiệm đầu tư" hay "tiết kiệm thông minh" được ngân hàng quảng bá, thực chất là loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư - một sản phẩm đang bán chạy của các nhà bảo hiểm tại Việt Nam.

Theo VnExpress, SCB, TPBank và Manulife, Sunlife (hai hãng được phân phối bảo hiểm độc quyền theo hình thức bancassurance tại hai nhà băng trên) đều không đề cập chi tiết về các trường hợp cụ thể. Họ khẳng định nhân viên luôn được quán triệt thực hiện quy định pháp luật. TPBank cho biết, các khách hàng đều đã được nhân viên trả lời và làm rõ đây là hình thức bảo hiểm đầu tư, ngân hàng không tư vấn sai và không gây hiểu nhầm cho khách hàng là gửi tiền tiết kiệm.

Hiện SCB cho biết đang hợp tác với Manulife để giải quyết. Về phía Manulife thì nói nếu phát hiện các hành vi sai trái của cá nhân giao kết hợp đồng sẽ "lập tức chuyển vụ việc đến cơ quan chức năng".

Manulife cũng cho biết, khách hàng có nhiều cơ hội nhận biết về việc bản thân tham gia hợp đồng bảo hiểm trong suốt quá trình giao kết hợp đồng. Công ty thường xuyên cập nhật tiến trình cấp phát hợp đồng bảo hiểm bằng tin nhắn đến số điện thoại như "Công ty đã nhận phí bảo hiểm"; "đã nhận Đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ"; gọi chúc mừng, xác nhận việc tham gia hợp đồng bảo hiểm mới. Bên cạnh đó, việc khách hàng ký lên giấy xác nhận bàn giao bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã thể hiện sự nhận biết.

Ngược lại, theo một số khách hàng, họ không quá quan tâm đến điều đó do được nhân viên tư vấn dặn hợp đồng bảo hiểm chỉ là phần được tặng kèm thêm. Một số khách đã hỏi lại nhân viên nhà băng khi nhận được cuộc gọi xác nhận thế nhưng vẫn được khẳng định sản phẩm được phân phối qua ngân hàng nên chỉ cần quan tâm đến tư vấn của họ.

TPBank cũng cho biết, tổ chuyên trách giữa hai bên sẽ giải quyết các khiếu nại liên quan đến quá trình tư vấn và hiểu về hợp đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cam kết yêu cầu đối tác xử lý nếu có sai phạm, đảm bảo đặt quyền lợi của khách hàng trước tiên. Về phía đối tác của họ là Sun Life Việt Nam cũng cho biết đang làm việc với các bộ phận liên quan để đưa ra những phản hồi phù hợp.

Về khoản phí bảo hiểm theo Luật sư Lương Văn Ban - đại diện Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, không được chiếm quá 15% thu nhập hàng năm của khách hàng và nên được phân bổ đều qua từng năm. Đây là thông lệ của ngành bảo hiểm để đảm bảo khả năng tái tục hợp đồng dài hạn cho khách hàng.

Thế nhưng theo phản ánh của nhiều khách hàng, mức phí bảo hiểm hằng năm lên tới 100 triệu đồng, số tiền này ngoài khả năng tài chính của họ.

Cũng theo Luật sư Lương Văn Ban, lỗi của khách hàng là đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân viên ngân hàng mà không tự kiểm chứng lại thông tin. Vì thiếu hiểu biết họ bị nhân viên lợi dụng và vô tình rơi vào thế yếu khi muốn khiếu nại huỷ hợp đồng, nếu không có bằng chứng đủ mạnh.

Bảo hiểm kết hợp đầu tư là thế nào?

Được biết, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được nhà bảo hiểm quảng cáo là có ý nghĩa bảo vệ rủi ro và có thêm quyền lợi đầu tư sinh lời.

Trên thực tế, trước khi được phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư khoản phí bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ rất nhiều chi phí.

Trong đó, nhà bảo hiểm sẽ thu "khoản phí ban đầu" tương ứng 65% và 50% phí bảo hiểm cơ bản trong hai năm đầu và khoản này không được hoàn lại. Sau khi trừ đi các loại chi phí, khách hàng phải chấp nhận gần như "mất trắng" phí bảo hiểm cơ bản đóng trong năm đầu.

Khoản phí bảo hiểm cơ bản hằng năm sau khi trừ các chi phí ban đầu và chi phí rủi ro, mới được bỏ vào các quỹ liên kết đầu tư tương ứng mức độ rủi ro khác nhau (hoặc đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền gửi). Đối với bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị, khách hàng chịu toàn bộ rủi ro đầu tư (tùy thuộc vào biến động thị trường và hiệu quả của danh mục). Hiện tại phần đầu tư liên quan đến quỹ đầu tư cổ phiếu có thể lỗ lên tới vài chục phần trăm hoặc mất trắng do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi.