Ngọc Khôi ·
2 năm trước
 8304

Xử phạt 2 công ty biến đất quốc phòng thành khu chung cư, nhà ở cao cấp, mức xử phạt có đủ sức răn đe?

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các sai phạm và xử phạt 2 dự án khu dân cư và khu nhà ở cao cấp vốn trước đây thuộc đất quốc phòng. Đây không phải lần đầu tiên tôi đọc những tin xử phạt như thế này, liệu mức phạt sai phạm này có được xem là quá nhẹ chưa đủ sức răn đe cho khu chung cư, nhà ở cao cấp?

Theo Báo Giao thông, 2 dự án sai phạm này là dự án Khu dân cư phường Tân Phú (quận 7) và dự án Khu dân cư số 168 Phan Văn Trị (Gò Vấp). Được biết, vốn trước kia khu đất này thuộc về đất quốc phòng nhưng sau đó đã được giao cho công ty khác quản lý đầu tư.

Dự án Khu dân cư số 168 Phan Văn Trị (Gò Vấp)

Dự án khu dân cư số 168 Phan Văn Trị, Gò Vấp là đất do Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) tiếp quản, sử dụng từ năm 1975, với tổng diện tích đất là 121.147,36m2.

Ngày 31/3/2005, UBND TP.HCM cấp Giấy CNQSD đất cho Tổng kho 186 - Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần với mục đích sử dụng đất là đất quốc phòng với thời hạn sử dụng lâu dài.

biến đất quốc phòng thành khu nhà ở cao cấp

Dự án Khu dân cư số 168 Phan Văn Trị (Gò vấp).

Tháng 7/2008, Tổng cục Hậu cần di dời Tổng kho 186 đến đóng quân tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng quyết định thu hồi khu đất trên giao cho Công ty TNHH Đầu tư địa ốc TP (CityLand) quản lý đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Ngày 11/4/2012, UBND TP.HCM đã duyệt tổng giá trị quyền sử dụng đất  là 64.797,2m2 đất ở, đất thương mại, dịch vụ kết hợp thể dục thể thao là hơn 1.016 tỷ đồng.

Ngày 11/3/2014 , UBND TP.HCM ra văn bản chấp thuận chủ trương xử lý không dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho Bộ Quốc phòng, trong đó có giá trị tiền sử dụng đất của 20% đất xây dựng nhà ở xã hội nêu trên.

Theo kết luận Thanh tra, quyết định giao đất cho Công ty TNHH Đầu tư địa ốc TP là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, điều 58 Luật Đất đai năm 2003.

Đến thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.HCM tiếp tục rà soát, xử lý theo thẩm quyền đối với các nội dung trên.

Dự án Khu dân cư phường Tân Phú (quận 7)

Dự án khu dân cư phường Tân Phú do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (Công ty Hàng không ACC) làm chủ đầu tư với diện tích 46.432m2 là trận địa tên lửa do Sư Đoàn 367, Bộ tư lệnh Phòng không không quân quản lý (đất Quốc phòng - An ninh).

biến đất quốc phòng thành khu dân cư

Dự án Khu dân cư phường Tân Phú (quận 7).

Ngày 31/7/2007, với nguyên do vị trí không còn phù hợp nên trận địa được di dời đến nơi khác, Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị UBND TP.HCM làm thủ tục thu hồi đất quốc phòng tại vị trí nói trên để giao cho ACC.

Ngày 25/3/2008, UBND TP.HCM đã chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực nói trên để xây dựng khu dân cư tại phường Tân Phú, quận 7 và ra quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng 46.432m2 để Công ty Hàng không ACC thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng giá trị quyền sử dụng đất phải nộp là hơn 915 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, việc UBND TP.HCM phê duyệt số tiền phải nộp trên là do đơn vị tư vấn xác định giá đất và Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM chưa tính doanh thu giữ xe tại khu chung cư lô A. Do đó, Thanh tra Chính phủ tạm tính tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung là hơn 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết luận thanh tra cho biết: UBND quận 7 có quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án, trong đó có việc điều chỉnh xây dựng chung cư lô D có 3 tầng hầm thành 2 tầng hầm.

Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, UBND TP.HCM chưa chỉ đạo và xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để thu hồi bổ sung phần giá trị chênh lệch về tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Liệu mức phạt trên có khá nhẹ nhàng so với sai phạm không? Và mức phạt ấy có thực sự đủ sức răn đe nếu xảy ra các sai phạm tương tự ở tương lai? Tôi nghĩ cần có các mức xử lý nặng hơn nhằm tránh các tình trạng tương tự xảy ra cũng như hiện tượng “nhờn” phạt.