Minh Phương ·
2 năm trước
 2900

Xử phạt gần 2,5 tỷ đồng 8 doanh nghiệp tại Bắc Ninh vì xả thải vượt ngưỡng cho phép

Chiều 22/6, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định xử phạt 8 doanh nghiệp sản xuất giấy và tái chế rác thải tại Cụm công nghiệp Phú Lâm với tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng do vi phạm bảo vệ môi trường. 8 doanh nghiệp này bao gồm hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp.

Chiều 22/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa quyết định xử phạt 8 doanh nghiệp sản xuất giấy và tái chế rác thải tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời đình chỉ hoạt động từ 4,5 đến 9 tháng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này để khắc phục vi phạm.

Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt hộ kinh doanh cá thể Ngô Mạnh Sáng 185,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với doanh nghiệp do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ.

Hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Nam bị phạt 212,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.

Hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Văn Hải-Chi bị phạt 220 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.

bắc ninh xử phạt ô nhiễm môi trường

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bao bì Lâm Huy bị phạt 415 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, bụi thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giấy Phú Trường bị phạt 425 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Đoàn Phong bị phạt 265 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định; không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp trước khi chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý.

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, riêng phường Phong Kê (TP.Bắc Ninh) có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến khoảng 10.000 m3/ngày đêm, hơn gấp 3 lần công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung. Còn tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, lượng nước thải hơn 4.000 m3/ngày đêm nhưng khu xử lý nước thải tập trung chưa hoạt động. Đây chỉ là 2 trường hợp đơn cử trong nhiều nguồn thải khác mà sông Cầu đang phải hứng chịu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương Mại Minh Đức bị phạt 375 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Đức bị phạt 375 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4,5 tháng do có hành vi vi phạm hành chính hoạt động sản xuất nhưng không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (từng giai đoạn hoặc toàn bộ dự án) theo quy định; thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ; không thực hiện kê khai chứng từ chất thải nguy hại theo quy định.

Trước đó, ngày 18/6, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành các Quyết định xử phạt hành chính 3 doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở phường Phong Khê (TP.Bắc Ninh).

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt Công ty TNHH giấy Phương Hà 350 triệu đồng, Công ty TNHH giấy Tân Hoàng Nga 520 triệu đồng và Công ty TNHH sản xuất giấy Hưng Thịnh Bắc Ninh 510 triệu đồng.

Ba doanh nghiệp trên có có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành theo quy định. Đặc biệt, cả 3 doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cụm Công nghiệp Phong Khê cũng đã kéo dài nhiều năm nay. Thời gian gần đây, tình hình ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp tiếp tục ngang nhiên xả thải.

Trong thời gian từ tháng 4/2021 đến nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã mạnh tay xử phạt hàng chục doanh nghiệp với số tiền hơn 10 tỉ đồng. Việc làm này thể hiện quyết tâm của UBND tỉnh Bắc Ninh nhằm ngăn chặn, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, hiện trạng các làng nghề là khu vực ở nông thôn tồn tại nhiều bất cập về môi trường. Ô nhiễm môi trường tại làng nghề nói chung đa dạng do khí thải, nước thải, chất thải rắn và cả ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn… ở nhiều làng nghề đã trở nên nghiêm trọng tại chính khu vực sản xuất, gây tác động trực tiếp đến sức khỏe người lao động và dân cư sống xen kẽ trong làng.

Cũng cho ý kiến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các làng nghề chính là điểm nóng về môi trường hiện nay. Theo ông Long, số làng ung thư xuất hiện ngày càng nhiều là một thực trạng nan giải về tình trạng ô nhiễm môi trường nhất định cần phải có lời giải thích đáng.

Vì vậy, để từng bước giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ có tính bền vững. Về lâu dài, việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn được với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong đó, quy hoạch xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp tập trung và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. “Đặc biệt, cần mạnh dạn quy hoạch theo hướng lồng ghép các hoạt động du lịch với sản xuất làng nghề sinh thái”, ông Long nhấn mạnh.

Nguồn