Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn với 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà với trên 71%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana, giảm gần 33%.
Ảnh minh hoạ.
Trong tháng 10, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam dao động từ 425 - 430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Nguồn cung trong nước ở mức thấp và các thương nhân dự đoán giá có thể cao hơn một chút trong ngắn hạn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán tăng trong năm nay.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng baht yếu và nhu cầu giảm. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Các thương nhân cho rằng, giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh không hề có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt.
Cùng với đó, đồng baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng đô la Mỹ, bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu đã giúp giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 10 trong bối cảnh nhu cầu sôi động, nguồn cung khan hiếm.
Thị trường gạo các tỉnh miền Nam không biến động trong tháng qua. Gạo thường IR50404 tại Vĩnh Long và An Giang giữ ở mức 11.000 đồng/kg và 11.500 đồng/kg; gạo Jasmine ở các mức 15.000 đồng/kg và 14.000 đồng/kg. Gạo thơm chợ Đào và thơm Thái Lan tại TP.HCM cùng giữ mức 22.000 đồng/kg; gạo tẻ thường 14.000 đồng/kg; gạo Tài nguyên 20.000 đồng/kg.