Trong đó, xuất khẩu cua ghẹ tăng mạnh nhất, với 84%; cá ngừ cũng tăng tích cực với 22%; xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ tăng 13%; xuất khẩu tôm và cá tra tăng nhẹ, lần lượt tăng 7% và 4%.
Ngoài ra, trong số các sản phẩm chính, có mực, bạch tuộc và các loại cá khác (cá biển, cá nước ngọt) có giá trị xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 1% và 3%.
Ở top 4 thị trường hàng đầu, chỉ có Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn với tăng trưởng 7%, đạt 605 triệu USD giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Ngoài ra, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và EU gần như chỉ tương đương so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng nhẹ 2%.
Xuất khẩu ngành thủy sản đạt gần 3,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) với diễn biến xuất khẩu quý I tăng nhẹ 6,5% và những yếu tố tác động thị trường tiêu thụ như lạm phát, tồn kho… dự báo xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm 2024 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,4 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 7% đạt 1,65 tỷ USD, cá tra tăng nhẹ 4% đạt 910 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ tăng khả quan hơn với mức 20% đạt 457 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng nhẹ 1% đạt 294 triệu USD. Xuất khẩu cua ghẹ tăng 66% đạt 119 triệu USD và nhuyễn thể có vỏ tăng 12% đạt gần 74 triệu USD.
“Kỳ vọng sau quý II, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu sẽ phục hồi và giá sẽ tăng lại vào quý III - thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm, nhằm đạt mục tiêu ngành đã đề ra”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP chia sẻ.