Lan Anh ·
3 năm trước
 3311

Ý tưởng về tòa nhà chọc trời mới lạ có thể loại bỏ 1.000 tấn carbon mỗi năm

Các nhà thiết kế đã lên ý tưởng về một tòa nhà chọc trời mới lạ, có khả năng hấp thụ lượng khí thải carbon tương đương 48.500 cây xanh trong khí quyển. Điều này dẫn đến việc loại bỏ carbon nhiều hơn gấp 3 lần so với những gì cần cho quá trình xây dựng.

Mới đây, trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), các nhà thiết kế đã giới thiệu về "Urban Sequoias" - một mạng lưới các tòa nhà có khả năng loại bỏ lượng carbon trong bầu khí quyển, tương đương với 48.500 cây xanh.

Thực tế, những nỗ lực trong việc giảm tác động khí thải của các công trình xây dựng đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới, vì lĩnh vực này chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải carbon toàn cầu. Hầu hết, những nỗ lực này đã dẫn đến việc giảm thiểu lượng khí thải carbon trong giai đoạn khởi tạo, thiết kế và xây dựng.

Được đặt tên theo loài cây cao nhất thế giới, Urban Sequoias là sản phẩm của một công ty kiến trúc ở Chicago, dựa trên những công nghệ sẵn có hiện nay. Mỗi tòa nhà chọc trời sẽ ứng dụng nhiều kỹ thuật để thu thập carbon, bao gồm xây dựng bằng vật liệu hấp thụ carbon, trồng cây xanh và tảo (để lấy nhiên liệu, năng lượng và thực phẩm) cùng công nghệ hút khí trực tiếp. "Hiệu ứng xếp chồng" từ thiết kế giúp hút khí vào trung tâm tòa nhà để lọc carbon.

Ý tưởng về tòa nhà chọc trời mới lạ có thể loại bỏ 1.000 tấn carbon mỗi năm - Ảnh 1
Thiết kế tòa nhà chọc trời có thể loại bỏ lượng carbon trong bầu khí quyển. (Ảnh: Interesting Engineering)

Công ty thiết kế cho biết với tuổi thọ ít nhất 60 năm, Urban Sequoia có thể hấp thụ lượng carbon xả vào khí quyển nhiều gấp 4 lần so với carbon sinh ra từ quá trình xây dựng. Carbon thu được có thể dùng để sản xuất vật liệu sinh học cho đường xá, vỉa hè, đường ống... để phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Sự giảm lượng carbon này xảy ra chủ yếu do hai lý do. Vật liệu được sử dụng để xây dựng các tòa nhà bao gồm gạch sinh học, bê tông gai dầu, gỗ và bê tông sinh học, tiêu thụ ít carbon hơn nhiều so với các vật liệu thông thường như thép và bê tông.

Song điều làm cho các tòa nhà này trở nên thân thiện hơn với môi trường là sự hấp thụ carbon xảy ra sau khi các tòa nhà được đưa vào sử dụng, có nghĩa là các tòa nhà không phải là một phần của vấn đề nhưng có thể là giải pháp.

Theo đó, những tòa nhà này loại bỏ carbon thông qua một phương pháp thiết kế thay thế. Họ đã thực hiện bước đầu tiên với một mẫu thử nghiệm, một tòa nhà cao tầng để kiểm tra tính hiệu quả của giải pháp. Trong khi giảm lượng khí thải carbon bằng cách tiêu thụ các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, mẫu thử nghiệm hấp thụ 1.000 tấn carbon hàng năm, tương đương với 48.500 cây xanh. Điều này dẫn đến việc loại bỏ carbon nhiều hơn gấp 3 lần so với những gì cần cho việc xây dựng.

Hấp thụ carbon xảy ra để sản xuất tảo và sinh khối, vật liệu cô lập carbon, và cuối cùng là do tính năng thu giữ không khí của các tòa nhà giúp lọc CO2 thông qua hiệu ứng ngăn xếp.

Mục tiêu cuối cùng của công ty không phải là một tòa nhà cao tầng hay thậm chí nhiều khu phức hợp, mà là phát triển khái niệm trên quy mô rộng hơn, có thể là ở các thành phố. Các tòa nhà với nhiều chức năng khác nhau, từ trường học, nhà ở gia đình, bệnh viện, đến các tòa nhà cao tầng, đều có thể được xây dựng theo cách này. Ở một mức độ nào đó, ý tưởng là về việc biến các thành phố hoạt động như những khu rừng.

Theo kế hoạch, lượng carbon thu được trên mỗi km2 sẽ lên tới 120 tấn nếu biến đổi cảnh quan đô thị thành những khu vườn, tái xây dựng thành phố dưới dạng công trình hấp thụ carbon và đường phố trang bị thêm công nghệ hút carbon. Con số này có thể tăng gấp gần 3 lần nếu ứng dụng ở các công viên và nhiều không gian xanh khác.

Cũng tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Anh), bà Inger Andersen, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã kêu gọi thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng.

“Tổng diện tích các tòa nhà đang được xây dựng mỗi tuần tương đương với diện tích của Paris (Pháp), do đó, chúng ta cần suy nghĩ điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu, đa dạng sinh học, khả năng sống và chất lượng cuộc sống. Chúng ta cần phải xây dựng hiệu quả hơn”, bà Andersen cho biết.

Vì vậy, thế giới cần thúc đẩy sự chuyển đổi sang các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, xây dựng các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Đồng thời kêu gọi các Chính phủ tăng cường tham vọng nếu muốn thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0.

Hiện nay, thế giới đã có hơn 100.000 công trình xanh với hơn 1 tỉ m2 cho thấy các chủ đầu tư đã nhận thức rõ lợi ích của công trình xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.

Nguồn