Thời gian gần đây, các hộ dân tại thôn Nhân Nghĩa, Làng Qua và Phố Hóp thuộc xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) liên tục kêu cứu vì nguồn nước bị ô nhiễm và mùi khét hóa chất từ Nhà máy Chế biến Graphite phát tán ra môi trường.
Người dân kêu cứu vì nhà máy Graphite bức tử môi trường
Ngày 26/8 vừa qua, PV Lao Động đã ghi nhận tại khu vực này có một nhà máy rộng khoảng hơn 30ha được xây dựng trên một quả đồi, nằm trên tuyến đường tỉnh 166, đoạn qua địa phận xã Báo Đáp. Bên cạnh công ty là khu tập trung đông dân cư sinh sống. Phía dưới chân đồi là khu hồ thủy lợi Nhân Nghĩa màu đen kịt, có mùi hóa chất bốc lên.
Hồ thủy lợi Nhân Nghĩa đổi màu không thể trồng trọt, chăn nuôi từ khi nhà máy đến hoạt động
Theo ông Phạm Văn Thịnh, đại diện cho người dân sống tại thôn Nhân Nghĩa cho hay, mỗi khi họ sấy quặng, tình trạng ô nhiễm không khí lại tái diễn. Mùi khét nồng nặc lại bốc lên, nhất là vào những lúc mưa xuống hay nắng lên, gia đình ông phải đi sơ tán, khi nào hết mùi mới có thể trở về nhà.
Sống sát bờ hồ Nhân Nghĩa, gia đình bà Nguyễn Thị Huế cho hay, sau sự cố vỡ đập bùn thải tràn vào hồ Nhân Nghĩa từ năm 2017, đến nay nhà máy này vẫn chưa khắc phục hết ô nhiễm nguồn nước, gia đình vẫn chưa thể nuôi trồng thủy sản. Bà Huế chia sẻ: "Nước hồ ngày xưa màu xanh giờ chuyển sang màu xanh đen kịt, nhiều bụi cỏ gần cống nước thải bị chết khô, không khí thường xuyên xuất hiện mùi khét gây khó thở".
Ô nhiễm không khí tại đây cũng tới mức nghiêm trọng, mùi khét nồng nặc. Theo TTXVN ghi nhận, nhiều triệu chứng khó thở, tức ngực đã ảnh hưởng đến sức khỏe và nguy cơ mắc bệnh hô hấp của người dân dần hiện hữu.
Theo người dân phản ánh, ngay từ khi đi vào hoạt động thử nghiệm từ năm 2016, Công ty Graphit Việt Nam đã bị người dân các thôn Nhân Nghĩa, Làng Qua và Phố Hóp thuộc xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phản đối dữ dội vì hoạt động sản xuất của công ty này khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Bằng chứng là những cuộc thanh tra, kiểm tra các cấp kéo dài từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019 đã cho ra nhiều văn bản kết luận, chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó nghiêm trọng nhất là sai phạm về bảo vệ môi trường.
Tại Kết luận kiểm tra số 50/KL-STNMT ngày 26/9/2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã xác định rõ sai phạm của Công ty Graphite Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp... Đặc biệt, sai phạm do sự cố vỡ đập chứa bùn thải của nhà máy đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân sinh sống khu vực hạ lưu.
Hồ chứa nước thải của Nhà máy tuyển quặng Graphite Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái). (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Theo Kết luận này, Công ty Graphite Việt Nam đã bị xử phạt 70 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong thời hạn 1 tháng và phải khắc phục hậu quả do làm ô nhiễm hồ thủy lợi Nhân Nghĩa và nguồn nước sạch sinh hoạt.
Thế nhưng đến nay, Nhà máy chế biến Graphit vẫn tái diễn tình trạng gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng thôn Nhân Nghĩa, xã Báo Đáp cho biết, trước đây người dân nhường đất để xây dựng nhà máy với mong muốn doanh nghiệp đến giúp người dân có nhiều công ăn, việc làm hơn. Nhưng thực tế đến nay hậu quả chính người dân phải hứng chịu từ nhà máy là quá lớn.
Vì sao chậm xử lý Graphite xả thải gây ô nhiễm?
Qua tìm hiểu của PV, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Graphite Việt Nam là chủ đầu tư nhà máy Chế biến Graphite tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên với tổng số vốn là 1.068 tỉ đồng, trên diện tích 33ha.
Graphite hay còn gọi là than chì, khá độc hại, được ứng dụng trong chế tạo các điện cực của đèn hồ quang, điện cực của pin, ắc quy, sản xuất thép, vật liệu composite, vật liệu chịu lửa... Do đó, quá trình chế biến Graphite cần phải được xử lý tốt để giảm thiểu tác động đến môi trường.
Điều đáng nói là Nhà máy đã đi vào hoạt động thử nghiệm từ năm 2016 và hết giấy phép hoạt động thử năm 2019.
Thế nhưng theo người dân phản ánh, thời gian gần đây nhà máy này vẫn có hoạt động sấy quặng và xả thải ra môi trường. Theo Lao Động thông tin, thì cơ quan chức năng cũng đã tiến hành xác minh nhưng chưa phát hiện hoạt động của nhà máy nên chưa tiến hành xử phạt.
Việc Nhà máy chế biến Graphit tái diễn nhiều lần gây ô nhiễm môi trường đã rõ. Người dân xã Báo Đáp lâu nay sống khổ sở trong môi trường ô nhiễm vì xả thải từ nhà máy cũng là thực trạng dễ thấy. Vậy, Công ty Graphit Việt Nam sẽ có biện pháp gì để xử lý triệt để nguồn nước đang bị ô nhiễm, cam kết việc xả thải ra môi trường theo đúng tiêu chuẩn quy định theo lời hứa ban đầu, trước khi dân nhường đất để cho xây dựng nhà máy?
Khu sản xuất của nhà máy tuyển quặng Graphite Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái). (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Tình trạng xả thải rõ ràng, và hậu quả môi trường là rõ ràng. Hơn nữa, nhà máy đã sấy quặng và hoạt động trở lại trong thời gian dài, tại sao lại trả lời rằng "chưa phát hiện hoạt động" nên chưa tiến hành xử phạt? Thiết nghĩ, vi phạm môi trường cần được phát hiện kịp thời, xử lý mạnh tay, cứng rắn, để bảo vệ cuộc sống người dân và không tạo tiền lệ xấu cho cộng đồng.
Việc chậm xử lý sai phạm doanh nghiệp xả thải, thì ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát, khổ sở của người dân xung quanh?
Người dân vẫn luôn mong chờ các giải pháp hiệu quả, có hiệu lực từ cấp có thẩm quyền của tỉnh Yên Bái để giải quyết dứt điểm và quyết liệt với tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay!