Minh Phương ·
2 năm trước
 1555

Yêu cầu xử lý nghiêm hành vi đốt rơm rạ gây ô nhiễm

Thời gian gần đây, chất lượng môi trường không khí tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, cụ thể tại TP.Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng có xu hướng gia tăng ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính do đâu? Và hướng xử lý như thế nào?

Bên cạnh những nguyên nhân chính đã được xác định do bụi, khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa thì có nguyên nhân không nhỏ từ hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch của người nông dân.

"Đây là hoạt động diễn ra hằng năm, lặp đi lặp lại của người nông dân khu vực nông thôn miền Bắc mà chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để", văn bản của Bộ TN&MT nêu rõ.

xử lý nghiêm hành vi đốt chất thải gây ô nhiễm

Để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm nêu trên, Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Giao các hội nông dân và phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức cho hội viên, đoàn viên, hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài cánh đồng.

Các tỉnh, thành phố cần xây dựng các dự án, nhiệm vụ hướng dẫn người nông dân triển khai các biện pháp thu gom tối đa, xử lý, chế biến triệt để phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.

"Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông", ông GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh.

Nguồn