Chiều 20/9, tại Hà Nội, được sự chỉ đạo của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam". Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp phát triển ngành năng lượng. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).
Tại diễn đàn, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh năng lượng được các chuyên gia và khách mời đưa ra bàn thảo.
Trong đó, đánh giá về việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho nhân dân và những người đang quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng.
Đặc biệt là gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng lại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trên cơ sở tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Điều này cho thấy, Chính phủ đã hiểu người dân và đất nước đang cần gì.
PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị, trong thời gian tới, giới chuyên gia, tổ tư vấn Chính phủ cũng như Quốc hội cần làm rõ khái niệm xanh. Cụ thể, như thế nào là năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo..., để người dân và cán bộ quản lý hiểu và thực hiện một cách chính xác.
Về cam kết Net Zero mà Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, dù gặp vấn đề gì đi chăng nửa cũng không thể lùi việc thực thi cam kết này lại được.
Vì thế bà An kiến nghị, Chính phủ báo cáo chi tiết lộ trình, kế hoạch, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân tổ chức trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII. Vì đây là vấn đền rất lớn, liên quan đến năng lượng, môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới cam kết thực thi Net Zero của Việt Nam tại COP26.
Bên cạnh đó, cần có những buổi họp kiểm điểm tại nhằm đánh giá từng bước trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII, khó khăn và thuận lợi đến đâu.
Tiếp đó, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, độc quyền ngành điện sẽ dẫn đến câu chuyện về giá, và rất nhiều chuyện khác. “Tôi xin hỏi là bao giờ thì bỏ độc quyền trong ngành điện?”, bà An nói.
Bà An cũng đặt câu hỏi, liệu có cho xã hội hoá truyền tải điện được không? Nếu xã hội hoá truyền tải thì có lợi gì và không thuận lợi gì? Nếu không cho xã hội hoá thì nhà nước sẽ đầu tư như thế nào?
Cuối cùng bà An kiến nghị Chính phủ cần ban hành những cơ chế mà các doanh nghiệp yêu cầu. Vi dụ, doanh nghiệp sử dụng nhiều điện, cần lắp điện năng lượng mặt trời thì như thế nào?… Ngoài ra, còn hàng loạt cơ chế về thuế, vốn, tín dụng… cũng cần được quan tâm.
Cuối cùng, PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ hy vọng rằng, Quy hoạch điện VIII sẽ thực hiện được. “Phải cố gắng thực hiện được Quy hoạch điện VIII. Vì đây chính là mong ước của người dân”, bà An nói.