Thành Phong ·
51 tuần trước
 7960

Hiện thực hoá các mục tiêu Quy họach điện VIII bằng cách nào?

Quy hoạch điện VIII mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp xu thế kinh tế xanh, tuần hoàn, các-bon thấp… nhưng vẫn cần các giải pháp cụ thể, thiết thực, thì mới có thể hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19/5, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Vướng mắc về giá khiến các dự án năng lượng tái tạo chưa thể đàm phán bán điện cho EVN. (Ảnh: ITN)

Ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đã khẩn trương chỉ đạo triển khai xây dựng Quy hoạch điện VIII nhằm thực hiện 3 mục tiêu: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải và phát triển khoa học công nghệ của thế giới; Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Giá điện vẫn là điểm nghẽn

Trước thực tế năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đoàn kiểm tra xác định đã lỗ tới hơn 26.000 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, chưa tính tới gần 15.000 tỷ đồng chênh lệch do tỷ giá từ năm 2019 đến hết 2022 vẫn được treo, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã cho rằng, phải nhanh chóng xử lý vấn đề, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho hay, lỗ của EVN không phải bây giờ mới nhìn thấy. Vài năm qua, giá điện vẫn cố định như tháng 3/2019, trong khi năm nào cũng trượt giá, tỷ giá tăng hay giá nhiên liệu đầu vào biến động mạnh theo chiều tăng, ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào. Tuy nhiên, đã không có sự điều chỉnh nào về giá điện bán lẻ, dù về luật pháp là có quy định cho phép.

Chuyên gia này cũng đưa ra một số nguyên nhân khiến giá điện bị cơ quan chức năng kìm nén. Đơn cử, giai đoạn 2019-2021 do tác động của Covid-19, nên giá điện thậm chí không tăng, mà còn giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Sau khi hết dịch bệnh, nhu cầu điện tăng dần, thì nhiều doanh nghiệp lại phải đối mặt với thực tế thị trường xuất khẩu và sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, kết quả kinh doanh trong 6 tháng trở lại đây không tốt. Thực trạng này khiến khả năng cho tăng giá điện để bù đắp việc EVN đang phải mua cao - bán thấp cũng chông chênh.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, thành viên Hội đồng phản biện Quy hoạch Điện VIII nhận xét, việc giá bán lẻ điện bình quân đã đứng im nhiều năm qua có nghĩa là giá điện đã giảm. Đó là vì lạm phát mấy năm qua vẫn đều ở mức 3-4%/năm, chưa nói tới tỷ giá cũng tăng.

Cạnh đó, EVN đã có mấy đợt hỗ trợ giảm giá điện do Covid-19, nên dư địa còn lại để tái đầu tư cũng không còn. Hiện Chính phủ cũng không thực hiện bảo lãnh cho vay vốn đầu tư nên các dự án điện lại càng khó để vay tiền.

Các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng cũng chờ tín hiệu giá điện, nếu giá điện bán ra thấp thì khó lòng mà đàm phán xong việc bán điện cho EVN. Trong khi đó, chỉ trừ có nhà máy điện mặt trời còn có thể xây dựng trong 1 năm, các nhà máy điện lớn như điện khí cũng mất 36 tháng, điện than là 48 tháng. Nếu tính cả thời gian làm thủ tục thì phải mất 7-8 năm. Dự án truyền tải điện cũng mất 4-5 năm mới xong… Như vậy, đảm bảo điện trong những giai đoạn tới sẽ có thách thức.

Cần cơ chế rõ ràng, thông suốt

Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt chưa lâu và ở giai đoạn này vẫn còn nhiều việc cần thực hiện để đảm bảo các dự án điện sạch có thể được đầu tư và xây dựng theo đúng lộ trình phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Hiện nay, để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch đến năm 2030, chỉ còn khoảng 7 năm để thực hiện Quy hoạch điện VIII; trong đó có từ 1-2 năm cho việc lập và thông qua kế hoạch triển khai, nên thực tế, các cơ quan, bộ, ngành chỉ có 4-5 năm để làm tất cả các công việc từ chuẩn bị đầu tư, đàm phán hợp đồng mua bán điện, lựa chọn nhà thầu và triển khai xây lắp…

Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc, Copenhagen Offshore Partners Việt Nam cho hay: Chính phủ và các cơ quan quản lý cần sớm cung cấp một định hướng thị trường rõ ràng cho các nhà đầu tư, bao gồm các chính sách minh bạch, thủ tục rõ ràng và quy trình phê chuẩn kịp thời, nhằm đảm bảo các dự án hạ tầng quy mô lớn ở cấp quốc gia có thể được thực hiện đúng hạn và với chất lượng tốt. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng đấu nối và truyền tải cần thiết để đảm bảo năng lượng ngoài khơi có thể được truyền tải khi các trang trại gió đi vào vận hành.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo các dự án trong giai đoạn đầu được xây dựng dựa trên các nền tảng đảm bảo thông qua việc sử dụng các công ty có kinh nghiệm chuyên môn ở tầm toàn cầu và có khả năng đặt các đơn hàng lớn, từ đó mang lại hiệu quả về chi phí cho dự án như có các đơn đặt hàng quy mô lớn các tua-bin gió, trụ hay cáp kĩ thuật và các thiết bị hậu cần quan trọng như các tàu lắp đặt trụ tua-bin.

Điều quan trọng đối với ngành điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là bắt đầu với các dự án được cân nhắc kỹ lưỡng với sự hỗ trợ của những nhà phát triển có năng lực và kinh nghiệm quốc tế, nhằm đảm bảo Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Mục tiêu là làm sao đảm bảo được an ninh năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng tăng của người Việt Nam.

Theo chia sẻ của ông Phạm Thế Tuân, Giám đốc điều hành Công ty Sơn Hà Free Solar - Tập đoàn Sơn Hà: về cơ bản Quy hoạch điện VIII tạo ra mục tiêu đến năm 2030, nhưng để đạt được mục tiêu đó thì cần có một kế hoạch chi tiết hơn, đồng thời cần có chính sách rõ ràng hơn, minh bạch hơn từ Chính phủ để không chỉ Sơn Hà mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia vào Việt Nam.

Để thu hút doanh nghiệp, cũng như người dân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; trong đó có điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, thì cần có các chính sách, quy định về kỹ thuật một cách rõ ràng, minh bạch, bởi bản thân các doanh nghiệp điện mặt trời trong 2 năm qua khi hết giá mua bán điện ưu đãi FIT, các yêu cầu về giấy phép phòng cháy chữa cháy, môi trường, đấu nối… đều đang thiếu hướng dẫn để thực hiện, ông Phạm Thế Tuân kiến nghị và đề xuất thêm sau Quy hoạch điện VIII, doanh nghiệp rất mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định, tiêu chuẩn rõ ràng hơn về điện mặt trời mái nhà, đấu nối để phát triển loại năng lượng tự sản tự tiêu thuận lợi.

Theo Viện trưởng Viện Năng lượng Trần Kỳ Phúc, để đảm bảo các nguồn năng lượng tái tạo đi vào vận hành thời gian tới hiệu quả, việc phát triển lưới điện phải đồng bộ với nguồn điện. Sau khi quy hoạch được duyệt, kế hoạch thực hiện sẽ được cụ thể hóa; trong đó những nguồn điện sẽ được đầu tư trong giai đoạn tới sẽ đi cùng với đầu tư lưới điện để giải tỏa công suất đi kèm. Kế hoạch này được đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, địa phương và đảm bảo khi nguồn điện được vận hành thì lưới điện cũng có thể đáp ứng được…

Việc Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế, như xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp… 

Tạ Nhị