Thi hành chính sách nhìn từ thực tiễn
Sau 10 năm tổ chức thực hiện, Luật đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tác động tích cực và tạo cho ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đó là, mức tăng trưởng cao đã duy trì và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu câu trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nhiều loại nông sản, thực phẩm ra thị trường thế giới với tỷ trọng số lượng và giá trị ngày càng tăng; Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp và hiện đại; Nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nông dân được cải thiện.
Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất trong thời gian qua về cơ bản phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, là tiền đề cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nông nghiệp không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề của xã hội như: đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trong những năm qua cũng cho thấy một bộ phận nông dân bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng, chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn. Nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững.
Sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất nông nghiệp còn nhiều, nhưng việc xử lý còn hạn chế. Tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp.
Đồng thời tồn tại một bộ phận nông dân sau khi bị thu hồi đất, không còn sinh kế trong khi các chính sách, quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến những hệ lụy cho xã hội (như thiếu việc làm, mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...). Đặc biệt là vẫn còn một bộ phận nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do chính sách đất đai thay đổi nhiều qua nhiều thời kỳ nhưng chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa được làm rõ, tính phù hợp, đồng bộ chưa cao… dẫn đến việc quản lý kém hiệu quả, việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt.
“Cởi trói” cho đất nông nghiệp
Luật đất đai 2013 đang dần bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Về cơ bản, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã đảm bảo tính kế thừa Luật đất đai 2013, thể chế hóa được các quan điểm của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Theo đó, dự thảo Luật đã đề xuất các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW; khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và thực tiễn thi hành Luật đất đai năm 2013 trong thời gian qua.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ trao “quyền sử dụng” đất nông nghiệp gần như quyền sở hữu để người nông dân, tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai. Muốn làm được điều đó, trước mắt cần phải tháo gỡ những rườm rà, tồn tại trói buộc quỹ đất nông nghiệp. Dự thảo Luật đưa ra 10 vấn đề trọng tâm lấy ý kiến góp ý liên quan tới các nội dung về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân vào công cuộc xây dựng, quản lý đất nước.
Luật Đất đai (sửa đổi) cần tiếp tục đưa đất đai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng để xây dựng ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Nhằm giải quyết những vướng mắc và tham gia góp ý dự thảo Luật, TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng nên có chính sách khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng, đề xuất giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ngành nông nghiệp cần linh hoạt hơn.
Vấn đề thực tiễn hiện nay, các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương phần lớn hoạt động khó khăn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của địa phương, chưa thực hiện được chức năng tạo quỹ đất phát triển theo quy hoạch, kế hoạch do vướng mắc về cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế về tài chính.
Quan tâm đến vấn đề trên, TS. Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị cần có chế định rõ ràng để quỹ đất được phát triển đúng theo quy hoạch. Bên cạnh đó, để “cởi trói” cho đất, cần tạo ra loại hình Ngân hàng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai, thúc đầy hình thành thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh; tăng hạn mức giao đất, cho thuê đất để triển khai đầu tư quy mô lớn hơn. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần thể chế hoá nội dung đất sử dụng cho các dự án, công trình nông nghiệp: các đơn vị chế biến nông sản phải được đặt ở giữa khu vực nông nghiệp, tránh xa khu dân cư…
Trên thực tế, vấn đề đất và quản lý sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng và cũng kèm theo nhiều yếu tố phức tạp, đất rộng nhưng đồi núi chiếm tỷ lệ cao, khó khăn về diện tích sử dụng, phục vụ đời sống mưu sinh, thậm chí quỹ đất thuận lợi để phát triển nông nghiệp rất hạn hẹp. Vì thế cần có quy định cụ thể về quy hoạch, sử dụng và quản lý đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục sửa đổi hoàn thiện dự thảo Luật
Về vấn đề đất nông nghiệp, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích: đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã có nhiều chính sách quan tâm đến người nông dân như tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Đối với người dân bị thu hồi đất mất canh tác, cần chú trọng sinh kế của người dân sau khi bị thu hồi đất, coi trọng vấn đề chuyển đổi nghề, hoặc hỗ trợ thích đáng để cải tạo đất nơi tái định cư để họ có thu nhập tốt hơn. Cụ thể, cần thận trọng cân nhắc khi thu hồi đất, hỗ trợ có thu nhập từ nghề mới ít nhất theo mức ổn định như cũ, đến khi nào người dân đảm bảo mức thu nhập ổn định mới ngừng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, bổ sung chính sách ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất; chính sách thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền...
Những quy định mới về đất nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cụ thể hóa các chiến lược, chiến sách của Đảng, Nhà nước với ngành nông nghiệp, cũng như vai trò công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cân nhắc, hoàn thiện tối đa nhằm phát huy hết tiềm năng của đất nông nghiệp đồng thời từng bước phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.