Ở Việt Nam, KCN sinh thái (từ đây sẽ viết tắt tiếng Việt là KCNST) được nêu trong Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 với khái niệm/định nghĩa là “khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp” [4].
Ngay từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) thực hiện Dự án "Triển khai sáng kiến KCNST hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam". Dự án được triển khai thí điểm tại các KCN Khánh Phú và Gián Khẩu (tỉnh Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1 & 2 (TP.Cần Thơ).
Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã tư vấn hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho các doanh nghiệp. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp đã tiết kiệm tổng thể được hơn 76 tỉ đồng/năm, tương đương hơn 3 triệu USD/năm do cắt giảm lượng tiêu thụ tài nguyên và vật liệu. Cụ thể là giảm tiêu thụ hơn 22.000 MWh điện, giảm 600.000 m3 nước sạch, giảm hơn 140TJ (Têrerun) nhiên liệu hóa thạch và giảm gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Về mặt môi trường, các cắt giảm này giúp giảm được 32kt (ki-lô-tấn) khí CO2 hằng năm.
(Nguồn: congnghiepmoitruong.vn)
Trên trang mạng của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc [5] có đưa ra khái niệm/định nghĩa:
“Khu công nghiệp sinh thái là một cộng đồng các doanh nghiệp nằm trên một sở hữu chung, trong đó các doanh nghiệp tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động về môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hợp tác quản lý các vấn đề tài nguyên và môi trường. Đây được gọi là cộng sinh công nghiệp, là một phương tiện mà các công ty có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua trao đổi vật liệu, nguyên liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm phụ, từ đó thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững”.
Cả hai định nghĩa/khái niệm trên đều thống nhất về nội dung, mục đích và cả cấu trúc của một KCNST.
Hiện đã có Khung quốc tế về KCNST được xuất bản với phiên bản 1.0 vào năm 2017 và phiên bản 2.0 vào năm 2021 do UNIDO, WB, GIZ phối hợp soạn thảo. Đây là tài liệu đã được nhiều KCN trên thế giới sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sự phát triển trở thành KCNST (Eco-Industrial Park – EIP). Mục đích của ấn bản thứ hai này là để tăng khả năng áp dụng của Khung EIP Quốc tế và thu hẹp tính khả dụng của dữ liệu và khoảng cách kiến thức trong ấn bản đầu tiên để giới thiệu các yêu cầu về hiệu suất EIP ở cấp quốc gia và KCN. Ấn bản thứ hai cũng giới thiệu các chỉ số mới để giải quyết các lỗ hổng đã được xác định trong vài năm qua.
Hơn nữa, việc sử dụng thuật ngữ nhất quán hơn và bổ sung các ví dụ từ việc thực hiện Chương trình EIP cấp quốc gia, được giới thiệu như là những cải tiến cho phiên bản sau [6]. Trong tài liệu này cũng đã giải thích rõ hơn khái niệm KCNST, chúng đã được phát triển để giải quyết các khía cạnh bổ sung, có liên quan lẫn nhau, ví dụ: hiệu quả tài nguyên và sạch hơn trong sản xuất, cộng sinh công nghiệp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tiêu chuẩn xã hội, cơ sở hạ tầng dùng chung, cải thiện quản lý rủi ro và tài nguyên dùng chung, bao gồm đất đai và các dịch vụ hệ sinh thái. Một cách tiếp cận liên ngành cần thiết để hiện thực hóa khái niệm KCNST một cách tối ưu. Đặc biệt, từ góc độ năng lực cạnh tranh của ngành, các động lực chính cho KCNST được chỉ rõ, bao gồm:
- Môi trường kinh doanh được cải thiện và năng động;
- Giảm chi phí vận hành và cải thiện hiệu quả, năng suất quy trình;
- Tăng nhu cầu của các bên liên quan để cải thiện hiệu quả tăng trưởng;
- Ít rủi ro khi tiếp xúc với sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên;
- Đảm bảo với các bên liên quan về các mối quan tâm về môi trường và xã hội đối với người tiêu dùng, địa phương, cộng đồng, Chính phủ và nhà đầu tư;
- Đáp ứng các mục tiêu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;
- Cơ sở hạ tầng chất lượng cao, và
- Đại diện tập thể về lợi ích kinh doanh
Các rào cản đối với phát triển xây dựng KCNST cũng đã được phân tích, chỉ rõ và đề xuất khả năng giải quyết để vượt qua. Chẳng hạn, rào cản về quy định, chính sách với việc thiếu các quy định đầy đủ, thích hợp và việc thực thi chúng, hay thiếu động cơ khuyến khích các KCN thông thường và các công ty thành phần để ưu tiên tính bền vững. Chắc chắn các cấp quản lý phải hiểu để có được chính sách, hành lang pháp lý để khai thông những ách tắc, rào cản này. Các rào cản về công nghệ và kinh tế xã hội cũng được coi là vấn đề cần được chú ý. Một số giải pháp công nghệ sáng tạo và có tác động cao chưa đủ mức độ tiên tiến và/hoặc quá tốn kém để thực hiện, đặc biệt là trong môi trường năng lực tài chính hạn chế trong bối cảnh đang phát triển. Mối quan tâm cạnh tranh có thể phát sinh đối với các công ty trong KCNST phải chịu chi phí cao hơn (do hiệu quả môi trường và xã hội cao hơn yêu cầu) dẫn đến kém cạnh tranh hơn trên cùng một thị trường. Khi đó chắc chắn Nhà nước, các tổ chức tài chính phải có cơ chế hỗ trợ và bản thân KCN và các doanh nghiệp phải tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Một rào cản khác cũng quan trọng không kém, đó là hạn chế về năng lực thể chế và tổ chức KCN, trong đó có rào cản từ chính trong nội bộ, mà quan trọng nhất là năng lực kỹ thuật. Nếu Nhà nước có hướng dẫn, có tiêu chuẩn rõ ràng và tài trợ, tổ chức, tiến hành được những đợt tập huấn, nâng cao năng lực sẽ giúp các KCN có quyết tâm hơn và dễ dàng chuyển đổi sang KCNST. Bản thân KCN cũng phải sẵn sàng đối mặt với thử thách, tự nâng cao năng lực để tiếp cận phương thức chuyển đổi sang KCNST.
Một số KCN sinh thái ở Hàn Quốc
Điều kiện tiên quyết đối với KCNST và yêu cầu về thực thi (performance) cũng được phân tích kỹ đối với thực thi quản lý KCN, thực thi môi trường, thực thi xã hội và thực thi kinh tế. Trong đó, điều kiện tiên quyết và yêu cầu thực thi đối với môi trường được chỉ ra rất rõ, bao gồm:
• Quản lý và giám sát môi trường;
• Quản lý năng lượng;
• Quản lý nước;
• Sử dụng chất thải và vật liệu;
• Khả năng chống chịu với môi trường tự nhiên và khí hậu.
Trong tài liệu của WB, UNIDO, GIZ còn đưa ra những yêu cầu thực thi đối với việc quản lý KCNST, yêu cầu thực thi môi trường, thực thi xã hội và thực thi kinh tế đối với KCNST. Ở mỗi yêu cầu có các chủ đề (topic), phụ đề (sub-topic) được mô tả khá chi tiết và chỉ ra những điều kiện tiên quyết, bằng chứng hoặc chỉ thị cùng mức đánh giá cụ thể. Mức đánh giá có thể ở mức định tính (có/không) nhưng các chỉ thị thì có đơn vị đo và giá trị mục tiêu cần đạt.
Chẳng hạn bằng chứng về: Cơ quan quản lý KCN điều tra các rủi ro do biến đổi khí hậu và cập nhật thông tin này một cách thường xuyên chỉ cần xác định là có/không, trong khi chỉ thị Tỉ lệ tiêu thụ năng lượng cấp công ty được giám sát lại có đơn vị đo là phần trăm tiêu thụ cấp công ty được giám sát và giá trị mục tiêu là 20% hay chỉ thị Tỉ lệ các công ty có hơn 250 nhân viên có hệ thống phòng ngừa và ứng phó với hành vi quấy rối có đơn vị đo là phần trăm công ty và giá trị mục tiêu là 75%. Đây là những điều cần được tham khảo ở mọi quốc gia để lập bộ chỉ tiêu cho riêng mình.
Trong tài liệu này [6] còn đưa ra kết quả một số dự án do UNIDO, GIZ và Nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ ở một số nước. UNIDO và Nhóm Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam từ năm 2015 để phát triển và vận hành Khung EIP tại cấp quốc gia. Những kết quả thực hiện dự án hỗ trợ này đã được trình bày, nêu bật những điểm sau:
- Hỗ trợ và nâng cao năng lực cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và các Bộ khác có liên quan đến mục tiêu chuyển đổi các KCN thông thường thành KCNST- EIP và phát triển các EIP mới.
- Kỹ thuật dự đoán/chẩn đoán (diagnostics) được thực hiện tại 11 KCN, và các khuôn khổ pháp lý và tài chính đã được phân tích để xác định các rào cản đối với việc thực hiện của các tiêu chuẩn KCNST. Dựa trên những phát hiện này, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã chuẩn bị các hướng dẫn kỹ thuật KCNST và một lộ trình cho Bộ KH&ĐT thực hiện Khung Tiêu chí Quốc tế KCNST phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
- Báo cáo của UNIDO “Các Chỉ thị Kinh tế Xã hội cho các Khu Công nghiệp Sinh thái trong Việt Nam” được xuất bản vào tháng 6 năm 2019.
- Giúp ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý đối với KCN và khu kinh tế, đưa ra khái niệm về KCNST trong luật pháp quốc gia và điều chỉnh hoạt động của chúng.
- Các cán bộ từ nhiều Bộ chịu trách nhiệm về việc vận hành Nghị định 82 đã tham gia khóa đào tạo 2 tuần về KCNST tại Thụy Sĩ. Khóa đào tạo tập trung vào các chính sách thành công hiện có và thực tế liên quan đến EIP các biện pháp can thiệp.
- Đã hỗ trợ các KCN ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam để xác định và thực hiện các biện pháp can thiệp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP). Thêm khoản đầu tư riêng, 10 triệu đô la Mỹ, vào các công ty trong KCN đã được huy động trong năm 2015 – 2019.
Hiện tại, tra cứu trên các trang mạng, chúng tôi thấy có nhiều ấn phẩm liệt kê ở trên chưa được đăng tải, nên những người quan tâm khó tiếp cận.
Ngày 22/05/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018/NĐ - CP quy định về Quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế. Theo Nghị định này, quyết định thành lập KCN, KCN mở rộng do UBND cấp tỉnh ban hành sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Với sự ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP, Việt Nam đã có khung, hành lang pháp lý thực hiện KCNST.
Trong Nghị định 82 đã có một mục (Mục 4) thuộc Chương IV quy định riêng cho KCNST với 5 điều, từ điều 40 đến điều 44.
Lãnh đạo các KCN Việt Nam sẽ chú trọng nghiên cứu cụ thể các điều sau:
- Điều 42 về Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái.
- Điều 43 về Ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái.
- Điều 44 về Trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.
Họ sẽ căn cứ vào tiêu chí xác định KCNST và tình hình thực tế của mình để quyết định có đăng ký đạt chứng nhận KCNST vào thời điểm này hay không, để một mặt nhận được ưu đãi theo điều 43, nhận được tính cạnh tranh cao hơn trong thị trường và chứng tỏ hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường cao trong hoạt động của mình.