Nỗi e ngại của người tiêu dùng
Vero - Đơn vị Tư vấn Truyền thông Thương hiệu có văn phòng tại nhiều nước thuộc khu vực ASEAN vừa công bố báo cáo “Di chuyển xanh”. Theo đó báo cáo chỉ ra rằng 87% người tiêu dùng không lựa chọn xe điện về lo ngại thiếu trạm sạc. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như quãng đường và tốc độ di chuyển, tuổi thọ pin, chi phí bảo dưỡng,...
Cháy nổ cũng là nỗi lo của người tiêu dùng khi mua xe điện. Ảnh minh họa.
Đối tượng mua xe điện ở Việt Nam đa số sẽ là người dân sống ở thành thị, nơi mà không phải chung cư nào cũng có sẵn trụ sạc để sạc điện. Xe máy điện hoặc xe đạp điện ta còn có thể tháo rời pin và mang lên nhà sạc nhưng điều này không thể áp dụng cho toàn bộ các mẫu xe, chưa kể còn dễ gây ra cháy nổ nếu người dùng chủ quan không bảo trì điện định kỳ.
Xe ô tô điện, người dùng có thể mang tới các trụ sạc nhưng nhưng ở thành phố còn khá thiếu vắng chứ chưa nói tới các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Thêm nữa phần lớn xe điện chỉ chạy được khoảng 150 – 500km trong điều kiện ký tưởng, còn ở điều kiện bình thường con số chỉ khoảng 200km. Vì thế nỗi lo “đang đi hết điện” trở thành lý do chính khiến nhiều người chưa xuống ta với xe điện dù phương tiện này mang lại nhiều lợi ích cho môi trường.
Giá cả cũng là điều kìm hãm người Việt chọn xe chạy nhiên liệu truyền thống thay vì xe điện. Nước ta vẫn nằm ở nhóm thu nhập thấp, nếu được hỏi sẽ bỏ ra 500 triệu để mua một chiếc xe điện thay xe ô tô chạy bằng nhiên liệu truyền thống thì câu trả lời đa số sẽ là không. Đó là ta chưa kể đến việc phương tiện giao thông chủ yếu hiện nay của người Việt là xe máy.
Điểm bất ngờ trong báo cáo “Di chuyển xanh” của Vero là Gen Z và Millennials (độ tuổi từ 18-34) là đối tượng ít cân nhắc mua xe điện nhất. Trong khi đó đây là lứa tuổi chiếm ½ dân số Việt Nam, đóng góp 40% tổng lượng tiêu thụ. Lý giải cho điều này, nhiều nhà phân tích nhận định Gen Z và Millennials thích trải nghiệm hơn sở hữu, vì thế họ chọn đi xe công nghệ hoặc thuê xe thay vì sở hữu một chiếc xe riêng.
Khó khăn trong đảm bảo “tính sạch”
Trong hạ tầng tương ứng, thiếu nguồn cung cấp điện, pin và quy trình xứ lý pin thải cũng là rào cản phát triển xe điện tại Việt Nam. Thêm nữa xe điện được coi là sạch khi được sản xuất và vận hàng bằng nguồn năng lượng xanh, nguyên liệu sạch.
Xe điện chạy bằng điện, đó là điều đương nhiên nhưng đó phải là điện từ năng lượng tái tạo, nếu từ nhiên liệu hóa thạch sẽ trở nên vô nghĩa. Trong năm 2022, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện và điện sinh khối chiếm tỷ trọng gần 48% sản lượng điện phát của hệ thống điện Việt Nam, trong đó cao nhất là thuỷ điện 35%.
Xe điện thân thiện môi trường phải sạch từ nhiên liệu cho đến vận hành.
Bà Phan Thị Thuỳ Dương - Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast cho biết hiện nay chưa có quy định về hạ tầng trạm sạc dành cho chung cư, bãi đỗ xe,... nên việc thực thi còn nhiều khó khăn. Vấn đề pháp lý, nguồn điện và nguồn cung cấp trở thành khó khăn khiến các doanh nghiệp xe điện chưa phát huy hết được khả năng của mình. Ngoài ra, theo bà việc đấu nối vào lưới điện quốc gia cũng là vấn đề cần cân nhắc.
Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện có thể tăng gấp hai, gấp ba lần so với hiện nay. Nhìn về sản lượng điện, nhất là vào cao điểm mùa hè, nỗi lo thiếu hụt điện sẽ trở thành vấn đề lớn trong việc phát triển xe điện tại Việt Nam.
Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, một trong những khó khăn của Việt Nam trong việc “xanh hóa” giao thông chính là xử lý pin thải của xe điện như thế nào. Vì sau một thời gian sử dụng, pin sẽ hết niên hạn sử dụng. Xử lý như thế nào, sử dụng công nghệ nào cũng là điều mà ta cần cân nhắc.
Nếu phát triển xe điện nhưng lại mang tới rủi ro về môi trường thì những nguyện vọng ban đầu của ta về một loại phương tiện xanh sẽ bị đánh tan. Để phát triển xe điện tại Việt Nam, ta cần phải có giải pháp tổng thể về cơ sở hạ tầng, trạm sạch, cơ chế hỗ trợ và cả quy trình sản xuất, xử lý pin thải. Nếu làm được điều này, mục tiêu “xanh hoá” giao thông bằng xe điện sẽ được hoàn thành.