Ngọc Lan ·
1 tuần trước
 9988

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu

Với tư cách là nguồn cung cấp vốn chủ đạo của nền kinh tế, ngành ngân hàng có thể đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới sự phát triển bền vững.

ESG góp phần đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là mục tiêu mà các nước trên thế giới đang hướng tới và hiện nay đã trở thành xu thế tất yếu. Trong đó, tài chính xanh tại Việt Nam đang ngày càng trở nên quan trọng. Với tư cách là nguồn cung cấp vốn chủ đạo của nền kinh tế, ngành ngân hàng có thể đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn diện hướng tới sự phát triển bền vững.

Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” được tổ chức ngày 19/11 tại Hà Nội, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng bền vững đang là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó, ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tăng trưởng bền vững, hướng đến phát triển kinh tế, bền vững môi trường, công bằng xã hội vừa là lựa chọn tất yếu đồng thời cũng để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát thác ròng về 0 vào năm 2050, trong đó, thực hành ESG sẽ góp phần đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Phó Thống đốc cho biết, muốn tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các TCTD phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp thương hiệu của TCTD được nâng cao uy tín thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD, trong đó có thể kể đến: rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng,... Do vậy việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Bên cạnh đó, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.

50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN -nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng.

Kết quả triển khai hoạt động ESG được thể hiện rất rõ nét qua tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của ngành ngân hàng.

Bà Hà Thu Giang cho biết, đến ngày 30/9/2024, đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm ngoái, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh. Các TCTD đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm ngoái”.

Những kết quả trên cho thấy các giải pháp triển khai của ngành ngân hàng thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngân hàng, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh, bền vững, vì lợi ích cộng đồng; đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, từ đó điều chỉnh hành vi tiến tới thực hành các tiêu chuẩn ESG, xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế.

Đại diện NHNN thông tin, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới.

Cụ thể, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN. Hướng dẫn các TCTD cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai tín dụng xanh sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho TCTD tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, từ đó tăng cường huy động nguồn lực, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam.