Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi UBND TP. Hà Nội, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội tham gia ý kiến đối với một số nội dung liên quan đến thiết kế dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Hai cầu Hồng Hà, Mễ Sở qua sông Hồng (Hà Nội) và cầu Hoài Thượng qua sông Đuống (Bắc Ninh) được đề nghị mở rộng mặt cắt ngang lên 7m.
Được biết, dự án đường Vành đai 4 sẽ có 3 cầu vượt điều chỉnh mặt cắt ngang bề rộng cầu từ 17,5m thành 24,5m thông qua việc bố trí thêm 2 làn có giải phân cách để phục vụ các phương tiện xe máy và thô sơ qua cầu kết nối giữa hai bờ sông.
Cầu Hồng Hà (dài 6km) vượt qua sông Hồng. Theo quy hoạch, phía bắc cầu Hồng Hà nằm tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Phía nam sẽ nằm tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Cầu giao cắt với đường Hồng Hà đoạn qua chùa Gia Lễ, nằm giữa trường THCS Liên Hồng và thôn Bồng Lai.
Với quy hoạch cầu Hồng Hà, trong tương lai, nhiều khu vực sẽ hưởng lợi về mặt giao thông. Ví dụ như huyện Đan Phượng có thể kết nối dễ dàng với Mê Linh thay vì đi cầu Thăng Long như hiện tại. Vị trí của dự án khá gần với dự án Vinhomes, KĐT The Phoenix Garden (huyện Hoài Đức).
Cầu Mễ Sở (dài 2.674m). Cầu Mễ Sở sẽ bắc qua sông Hồng, thuộc vành đai 4, kết nối huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và huyện Thường Tín (TP Hà Nội). Điểm đầu dự án sẽ là nút giao giữa quốc lộ 1A và vành đai 4, điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với vành đai 4. Cầu và đường dẫn dài gần 14 km.
Sau khi hình thành, cầu Mễ Sở sẽ mở ra hướng đi mới cho phương tiện từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây. Hiện người dân khu vực này vẫn lưu thông qua bến phà Mễ Sở. Cầu Mễ Sở còn tạo nên sự kết nối giữa hai cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng, góp phần làm giảm thiểu lượng phương tiện vào nội đô Hà Nội.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, dự án cầu Mễ Sở và đường vành đai 4 vùng Thủ Đô có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết vùng, đảm bảo kết nối trực tiếp giữa các địa phương lân cận với Thủ Đô. Các dự án cũng góp phần mở rộng không gian, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển mới, giúp khai thác hiệu quả hơn quỹ đất phía Tây Nam đường vành đai 4 thuộc địa phận Hà Nội từ đó phát triển: khu đô thị Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, các khu công nghiệp và đô thị 2 bên tuyến đường trên địa phận Bắc Ninh và Hưng Yên,...
Cầu Hoài Thượng vượt qua sông Đuống (dài 990m). Cầu Hoài Thượng bắc qua sông Đuống ở Bắc Ninh là 1 trong 3 cây cầy trên tuyến đường vành đai 4 được đề xuất nâng chiều rộng thêm 7m so với phương án nghiên cứu trước đó. Việc mở rộng cầu nhằm đảm bảo 4 làn xe cơ giới và mỗi bên bố trí một làn đường phục vụ xe máy, xe thô sơ qua cầu, tạo điều kiện đi lại cho nhân dân.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá việc việc mở rộng mặt cắt ngang các cầu nêu trên là cơ bản phù hợp, sẽ tiết giảm được chi phí xây dựng do không phải xây dựng thêm đơn nguyên cầu độc lập để kết nối hai đường song hành.
Đồng thời, tăng tính mỹ quan công trình, tạo thuận lợi về giao thông kết nối khu vực hai bên sông và đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả tuyến đường Vành đai 4.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km, đi qua ba tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư sơ bộ 85.800 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, khởi công tháng 6/2023, dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. |