Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2023 do Trường Đại học Thương mại vừa công bố tin tưởng vào sự tăng trưởng khả quan của kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những yếu tố ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Theo đó, các kịch bản kinh tế đều đưa ra dự báo GDP cả năm vượt 6%.
Ở kịch bản cơ sở, Báo cáo nhận định đây là kịch bản dễ xảy ra nhất với dự báo kinh tế thế giới triển vọng tích cực, xung đột Nga – Ukraina hạ nhiệt và sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, Mỹ cũng như các tác thương mại lớn của Việt Nam gây ra ít ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế trong nước.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 có thể đạt 6,56% và mức lạm phát bình quân của năm khoảng 3,35%.
Ở kịch bản cao, Báo cáo giả định kinh tế thế giới diễn biến tích cực hơn dự báo của các tổ chức quốc tế, từ đó, tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của kịch bản này có thể đạt 7,02% và lạm phát bình quân của năm khoảng 4,12%.
Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 với dự báo GDP cả năm vượt 6%.
Ở kịch bản thấp, nhóm nghiên cứu dự báo tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6,12% do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường; sự suy giảm mạnh của các nền kinh tế lớn cũng như các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp tục dai dẳng, gia tăng áp lực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Với kịch bản thấp, kịch bản này ít có khả năng xảy ra, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6,12% và lạm phát duy trì ở mức 2,87%.
Theo Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2023, về triển vọng năm 2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều áp lực do tăng trưởng của của nhiều nền kinh tế ở gần “bờ vực suy thoái” khi nhiều quốc gia buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, xung đột tại Ukraine tiếp diễn cùng với hàng loạt vấn đề phát sinh khác như gián đoạn chuỗi cung ứng, đà tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất…
Do đó, để giữ ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, hiệu quả trong thực thi chức trách và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (kịch bản là 5,6%).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 thấp hơn kịch bản đề ra và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát tiềm ẩn rủi ro; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao.
Trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.
Bước sang quý II/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, cơ quan và địa phương kịp thời tham mưu, ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính, tiền tệ; thực hiện 03 đột phá chiến lược, các định hướng lớn...
Đồng thời, các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo thường niên kinh tế và thương mại Việt Nam 2023 cũng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á năm 2023. Trong đó, dự kiến tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,3%, của Philippines đạt 5,4%, Malaysia là 4%, Thái Lan đạt 3,6%, Indonesia đạt mức trung bình 4,9% trong 2 năm (2023-2024). Về khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, dự báo kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,3% (năm 2022 đạt 3,2%). |