Thành Vũ ·
24 tuần trước
 7849

4 điểm quan trọng để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam được Quốc hội thảo luận

Trong phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân về vấn đề phát triển ngành công nghiệp đất hiếm. Bộ trưởng cũng chỉ ra 4 điểm quan trọng để phát triển ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương có câu hỏi chất vấn: Việt Nam cần có chính sách chiến lược đột phá như thế nào, nhất là về thể chế, chính sách trong thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chính xác hơn. Việc này cũng không thuộc chức năng và nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, đóng góp vào vấn đề Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có phát biểu. 

Theo bộ trưởng, đất hiếm hiện nay rất quan trong đối với các ngành phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ bán dẫn. Nếu chúng ta đã có trữ lượng đất hiếm lớn như hiện nay thì cần có cách khai thác và sử dụng nguồn khoáng sản này. Trước hết phải tập trung vào các nước, các nhà đầu tư có trình độ cao như là Nhật hay Hoa Kỳ để kêu gọi đầu tư. 

Thứ hai có chính sách chế biến sâu, và không xuất thô khoáng sản này. Tiếp theo là phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam. 

Cuối cùng là tập trung vào vấn đề nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực chế biến, khai thác và sử dụng cũng như là nguồn nhân lực. 

Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11.

Dữ liệu từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết Việt Nam đứng hai thế giới về trữ lượng đất hiếm, khoảng 22 triệu tấn, đứng sau Trung Quốc. Xếp sau là Brazil 21 triệu tấn, Nga (21 triệu tấn) và Ấn Độ (6,9 triệu tấn).  Không ngoa khi nói ta đang nắm giữ trong tay cả một “kho báu”, nhờ thế mà vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngày một tăng.  

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký quyết định số 866 phê duyệt "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030 trong đó nói rõ Việt Nam dự kiến sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm.

Qua đó thể hiện rõ Chính phủ đã xác định công nghiệp khai khoáng, bao gồm đất hiếm phải được ưu tiên phát triển, đưa ra các biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài.  

Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đăng tải loạt bài tìm hiểu, nghiên cứu về loại tài nguyên hiếm này đang được thế giới săn đón. 

Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn. Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác: Brazil có khoảng hơn 21 triệu tấn, Nga có khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng gần 7 triệu tấn…

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.

Mỏ đất hiếm Lào Cai, Yên Bái được phê duyệt là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Cụ thể, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.