Minh Anh ·
1 năm trước
 7964

Phê duyệt mỏ đất hiếm Lào Cai là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Đất hiếm ở Lào Cai nằm trong danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 1277 phê duyệt ngày 1/11.

Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, mỏ đất hiếm tỉnh Lào Cai nằm trong danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định số 1277 phê duyệt ngày 1/11.

Theo quyết định này toàn quốc có 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản đã được phê duyệt, trong đó có đất hiếm.

Đất hiếm ở Lào Cai nằm trong danh mục khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Cụ thể, quặng bô xít (23 khu vực), đá hoa trắng (17 khu vực), cát trắng (15 khu vực); quặng titan và quặng sắt - laterit (14 khu vực), quặng cromit (3 khu vực); quặng đất hiếm, than năng lượng, quặng apatit (2 khu vực), quặng chì - kẽm (1 khu vực).

Đất hiếm (đất hiếm vỏ phong hóa) được phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại tỉnh Lào Cai là khu vực Cam Cọn - Tân Thượng, diện tích 18,90km2, có 285.000 tấn dự trữ nằm trên địa bàn huyện Bảo Yên và Văn Bàn của tỉnh Lào Cai.

Ngoài tỉnh Lào Cai, tại tỉnh Yên Bái khu vực được phê duyệt là khu vực Đồng Tâm với diện tích 29,40km2, có 160.000 tấn dự trữ thuộc đại bàn huyện Văn Yên.

Đất hiếm ở khu vực Cam Cọn - Tân Thượng ( tỉnh Lào Cai) và Đồng Tâm ( tỉnh Yên Bái) đều có thời gian dự trữ 30 năm.

Theo Quyết định số 1277 của Chính phủ, trong thời gian dự trữ của các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia nêu trên, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ quy định của Nghị định số 51/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan công khai các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao hồ sơ khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để quản lý, bảo vệ theo quy định.

Trước đó, ngày 19/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 3438 chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, đất hiếm chưa khai thác.

Chủ tịch Lào Cai yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói chung, bao gồm cả khoáng sản là đất hiếm (có mỏ xác định tại các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai).

Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác trái phép hoặc các hoạt động đào trộm, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép và xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu có).

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các ngành xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp trên địa bàn và các huyện thuộc các địa phương khác nằm trong khu vực giáp ranh địa giới hành chính.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới

Theo Bộ TN-MT, đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn: Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là tài nguyên quý làm nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao: điện tử, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, quang điện, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn… Do đất hiếm nằm rải rác với số lượng ít tại nhiều nơi dẫn đến việc khai thác, tinh chế khó khăn, tốn kém nên đây là nguồn tài nguyên quý, có giá trị cao.

Bộ TN-MT cho biết, ước tính trữ lượng đất hiếm ở nước ta có khoảng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc, với khoảng 44 triệu tấn. Một số quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn khác: Brazil có khoảng hơn 21 triệu tấn, Nga có khoảng 21 triệu tấn, Ấn Độ có khoảng gần 7 triệu tấn…

Bộ TN-MT thống kê, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế. Cụ thể là trữ lượng đất hiếm tập trung nhiều các mỏ thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Đáng chú ý, là các mỏ đất hiếm có trữ lượng cao: mỏ đất hiếm Nậm Xê (xã Nậm Xê, H.Phong Thổ, Lai Châu) diện tích 125,98 km2, trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn. Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, H.Tam Đường, Lai Châu) diện tích 53,99 km2, trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn. Mỏ đất hiếm Mường Hum (xã Mường Hum, H.Bát Xát, Lào Cai) diện tích 26,84 km2 (chưa rõ trữ lượng chính xác, nhưng vẫn được đánh giá có trữ lượng lớn). Mỏ đất hiếm Yên Phú (xã Yên Phú, H.Văn Yên, Yên Bái) có trữ lượng ước tính khoảng 20.000 tấn.

Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm từ khoảng năm 2014. Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của nước ta chưa tương xứng tiềm năng, hình thức khai thác vẫn nhỏ lẻ. Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa có khả năng chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu tài nguyên này dưới dạng quặng thô, giá thành không cao.

Cuối năm 2022, Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm sang Hàn Quốc với sản lượng 1.000 tấn/năm, có thể tăng lên mức 2.000 tấn/năm.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua: từ năm 2021 đến 2030, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (H.Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (H.Tam Đường, Lai Châu).

Tiếp đó, mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031 - 2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 - 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai. Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao; đầu tư mới 3 - 4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7032699623456400/