Chiều 22/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Căn cước. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự luật này.
Các đại biểu Quốc hội tán thành việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, tuy nhiên phạm vi tích hợp cần phải trao đổi, cân nhắc kỹ, lựa chọn và quy định cụ thể loại thông tin để tích hợp, bảo đảm tính khả thi và thực hiện được ngay.
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) khẳng định sự cần thiết và giá trị của căn cước theo luật mới. Theo đại biểu, xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu xu. Việc áp dụng công nghệ trong thẻ căn cước rất thuận tiện cho người dân khi tham gia các giao dịch dân sự cũng như trong đi lại. Do đó, đại biểu cho rằng tích hợp các giấy tờ bằng giấy hiện nay vào thẻ căn cước rất hợp lý.
Trong dự thảo luật đang quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định tích hợp những giấy tờ nào vào trong thẻ căn cước. Theo đại biểu Nguyễn Hải Dũng, nếu quy định “cứng” chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền quy định tích hợp giấy tờ vào căn cước thì sẽ rất mất thời gian khi muốn thay đổi.
Vì vậy, đại biểu bày tỏ đồng tình với việc linh hoạt để Thủ tướng Chính phủ quyết định các loại giấy tờ sẽ tích hợp vào căn cước công dân.
Cùng chung nhận định, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cũng tán thành việc tích hợp thông tin ở một số giấy tờ khác ngoài căn cước vào thẻ căn cước, nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và công dân trong thực hiện giao dịch hành chính dân sự.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới liên quan việc thu thập, khai thác, sử dụng và bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư, bí mật gia đình cần được bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ phương thức thích hợp và có giải pháp chỉ cấp quyền đọc thông tin tích hợp trong thẻ căn cước phù hợp với yêu cầu quản lý giao dịch công dân trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm bí mật đối với những thông tin không trực tiếp liên quan đến yêu cầu quản lý giao dịch cụ thể đó khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền truy cập sử dụng thông tin này.
Cũng liên quan tích hợp thông tin vào thẻ căn cước tại khoản 3 Điều 23 dự thảo luật, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị bổ sung quy định việc tích hợp các giấy tờ vào thẻ căn cước công dân không làm mất hiệu lực của các giấy tờ tích hợp tại khoản này, do phải sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ cũng như tránh việc xáo trộn trong việc triển khai thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến các loại giấy tờ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ việc bảo mật thông tin, đồng bộ dữ liệu để bảo đảm thông tin tích hợp được chính xác, kịp thời; đồng thời, quy định rõ thẩm quyền được khai thác thông tin trong thẻ căn cước với các chủ thể khác nhau.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp, điều này gây khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công.
Để phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, dự thảo Luật Căn cước đã bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước, coi thông tin này có giá trị tương đương việc xuất trình giấy tờ, là rất cần thiết.
5 loại giấy tờ được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Dự thảo luật cũng quy định giao Thủ tướng quyết định việc tích hợp các giấy tờ khác vào thẻ căn cước để bảo đảm khả thi.
Về quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình thêm, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân. Bộ Công an cũng đã đánh giá kỹ tác động của việc này. Việc bổ sung quy định này bảo đảm tính khả thi, bởi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người.
Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh. Hiện các cơ quan vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt. Trẻ dưới 14 tuổi có thể sử dụng thẻ căn cước (hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ, tiện ích như tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại…
Về thủ tục, dự thảo luật quy định người dưới 6 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Trường hợp người từ đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học như người từ đủ 14 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6565068243552876/