Thành Phong ·
1 năm trước
 6879

Bộ Công an đề xuất tích hợp thêm những gì trên căn cước công dân?

Bộ Công an đã có đề xuất tích hợp hàng loạt thông tin cá nhân quan trọng vào căn cước công dân.

Hiện nay, thẻ căn cước công dân chip là loại giấy duy nhất được cấp để thay thế khi đi làm thủ tục cấp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân đã hết hạn sử dụng hoặc không sử dụng được do hư hỏng, rách nát, sai sót thông tin. Hướng tới số hóa các thủ tục hành chính nên sẽ tích hợp một số giấy tờ vào căn cước công dân gắn chip.

Ảnh minh họa.

Quy định về căn cước công dân gắn chip

Thẻ căn cước gắn chip hay thẻ căn cước điện tử (e-ID) là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái… Thẻ căn cước gắn chip có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện; xác thực danh tính; và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Người dùng chỉ cần dùng thẻ căn cước điện tử để có thể tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.

Thẻ CCCD gắn chip điện tử được gắn 1 con chip điện tử có kích thước nhỏ giống như trên thẻ ATM. Chip điện tử sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam; trên chip có thực hiện ký số, do vậy khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Ngoài ra chip có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay); cho phép xác thực bảo đảm chính xác con người. Khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip người dân có thể hoàn toàn yên tâm bởi thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác; giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ; bảo đảm an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính.

Căn cước công dân gắn chip tích hợp những gì?

Với mục tiêu chuyển đổi số liên quan đến giấy tờ, thông tin cá nhân thì nhà nước đẩy mạnh việc tích hợp hàng loạt giấy tờ, thông tin cá nhân lên CCCD gắn chíp.

Cụ thể, tại Thông báo 62/TB-VPCP ngày 01/3/2022 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phối hợp Bộ Công an triển khai tích hợp các giấy tờ công dân (bao gồm: tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế, giấy đăng ký xe ô tô; giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng…) để sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID, tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có Công văn 931/BYT-BH năm 2022 hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chíp.

Khi đó, người dân có CCCD gắn chíp sẽ được sử dụng thay cho thẻ BHYT giấy, tức khi đi khám chữa bệnh BHYT chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp thay vì phải xuất trình CCCD mã vạch hoặc CMND đi kèm với thẻ BHYT.

Mới đây Bộ Công an đã có đề xuất tích hợp hàng loạt thông tin cá nhân quan trọng vào căn cước công dân. Trong đó, đáng chú ý là bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin vào thẻ Căn cước công dân như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Đây là những thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân.

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng cho công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Theo đó, với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em.

Theo dự thảo Luật Căn cước công dân, ngoài những thông tin vẫn được giữ nguyên như hiện nay, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số thông tin khác trên thẻ Căn cước công dân.

Cụ thể, "Số thẻ Căn cước công dân" được thay bằng "Số định danh cá nhân"; "Quê quán" thay bằng "Nơi đăng ký khai sinh; "Nơi thường trú" thay bằng "Nơi cư trú".

Bên cạnh đó, trên thẻ có thể không còn vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Song, trong quá trình làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ công an vẫn thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Thông tin này không còn được lưu trên thẻ mà được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước để đối chiếu, nhận dạng khi cần.

Nếu dự thảo Luật Căn cước công dân mới được thông qua, Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về mẫu thẻ Căn cước công dân mới.

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) gồm 07 chương, 45 Điều, cụ thể như sau: Chương I Quy định chung; Chương II Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; Chương III Thẻ căn cước công dân; Chương IV Tài khoản định danh điện tử; Chương V Bảo đảm điều kiện hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; Chương VI Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữu liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước; Chương VII Điều khoản thi hành.

Tạ Nhị