Minh Anh ·
49 tuần trước
 7925

5 mỏ cát tỉnh Sóc Trăng vừa bàn giao cho nhà thầu làm cao tốc có trữ lượng bao nhiêu?

Sáng 9/12, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa bàn giao hồ sơ vị trí, trữ lượng, báo cáo ĐTM 5 mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công đường cao tốc.

Động thái tích cực của Sóc Trăng

Tham dự buổi lễ về đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu và các lãnh đạo sở ngành. Về phía Bộ GTVT có đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam, Ban quản lý (BQL) Dự án Mỹ Thuận, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, các nhà thầu thi công dự án.

Theo đó, từ quý 3 năm nay đến cuối năm 2026, tổng số cát đắp nền của dự án thành phần 4 của cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là hơn 7,5 triệu m3, cát xây dựng 579.900 m3, 818.700 m3 đất đắp và hơn 1,1 triệu m3 đá xây dựng. Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia, thành phần 4 do UBND tỉnh Sóc Trăng cấp quyết định và phạm vi thực hiện từ Sóc Trăng đến địa bàn Hậu Giang là 58,37 km.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (giữa) thông tin về tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: Duy Khang.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng, hiện địa phương có 5 mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng loại vật liệu dùng đắp nền đường.

Cụ thể, tổng trữ lượng của 5 mỏ cát này là hơn 11 triệu m3 trên diện tích 450 ha. Các mỏ cát trên nằm ở sông Hậu, thuộc địa bàn các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề (Sóc Trăng) giáp với tỉnh Trà Vinh.

Đối với các nhà thầu, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường, thuộc gói thầu số 11 là 1.470.753 m³, được giao mỏ cát với diện tích 100 ha, trữ lượng 3.360.000 m3, thuộc xã An Thạnh Nhất, H.Cù Lao Dung.

Công ty CP Hải Đăng có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường, thuộc gói thầu số 10 là 1.772.879 m3, được giao mỏ cát có diện tích 73,62 ha, trữ lượng khoảng 1.987.740 m3, thuộc TT.Trần Đề, H.Trần Đề và xã An Thạnh Nam, H.Cù Lao Dung.

Tổng công ty Xây dựng số 1 có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường, thuộc gói thầu số 12 là 1.451.449 m3, được giao mỏ cát có diện tích 52,9 ha, trữ lượng 1.190.520 m3, thuộc xã Nhơn Mỹ, H.Kế Sách và mỏ cát có diện tích 167,93 ha, trữ lượng 2.518.950 m3, thuộc xã An Thạnh Đông, H.Cù Lao Dung.

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 có nhu cầu sử dụng cát đắp nền đường, thuộc gói thầu số 9 là 1.891.077 m3, được giao mỏ cát có diện tích 57,3 ha, có trữ lượng 1.978.133 m3, thuộc xã An Thạnh Nhất, H.Cù Lao Dung.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu (giữa) chủ trì và chứng kiến lễ bàn giao các mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công đường cao tốc. Ảnh: Duy Khang.

Tại buổi lễ bàn giao, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, việc bàn giao các mỏ cát cho nhà thầu là nỗ lực của địa phương với mong muốn dự án sớm hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ. UBND tỉnh Sóc Trăng và các cơ quan hữu  quan sẽ phối hợp với các nhà thầu một cách chặt chẽ để thực hiện đúng pháp luật và chủ trương của Chính phủ.

Người đứng đầu UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác. Ngoài ra, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí và lệ phí theo quy định. Các địa phương trong tỉnh tăng cường truyên truyền cho nhân dân về ý nghĩa của Dự án cao tốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và ĐBSCL nói chung để tạo sự đồng thuận cao.

Trước đó, phát biểu trong lễ khởi công dự án cao tốc này tại tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, dự án cao tốc đi qua các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng, có 1.794 hộ bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất cần thu hồi là 331ha. Dự án nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, bà con đã nhường đất, dời nhà để thực hiện tuyến cao tốc, nhờ đó công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn tỉnh đạt trên 82%; riêng huyện Mỹ Xuyên đạt 98%.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cam kết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành có liên quan hỗ trợ nhau, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.

Tuyến cao tốc quan trọng của ĐBSCL

Ngày 17/6 vừa qua, tuyến Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng chính thức được khởi công. Tham dự lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành.

Tuyến đường dài hơn 188 km, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km đi qua tỉnh Sóc Trăng.

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đồ họa: Thanh Huyền/VnExpress.net

Giai đoạn một, dự án làm trước 4 làn, rộng 17 m, cho xe chạy 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027.

Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng tuyến An Hữu - Cao Lãnh là hai tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi hoàn thành, những tuyến này sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến N1, nhất là quốc lộ 91 đang quá tải... Công trình còn góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.

Cũng liên quan đến tuyến cao tốc này, tại Kỳ họp thứ 6, Quôc hội khóa XV, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) khẳng định, dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang triển khai và đây là dự án có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng. Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án đường cao tốc vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề xuất cần có cơ chế áp dụng riêng cho dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Theo vị này, việc cho phép dự án được chuyển nguồn để tiếp tục thực hiện là hết sức cần thiết. Nếu không sẽ gây áp lực cho việc cân đối các năm sau, ảnh hưởng đến nguồn bố trí cho các dự án trung hạn, có thể dẫn đến các dự án đường cao tốc phải dừng lại do điều chỉnh chủ trương đầu tư, dẫn đến chậm tiến độ.

“Đòn bẩy, động lực” để giúp các tỉnh ĐBSCL phát triển

TS.Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, việc khởi công dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là điều rất vui mừng đối với người dân và doanh nghiệp các địa phương. Tuyến cao tốc này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế.

Vị này nói thêm, việc khởi công dự án cao tốc là cơ hội để Sóc Trăng và các địa phương trong tỉnh quy hoạch phát triển dịch vụ - thương mại, đô thị, các khu, cụm công nghiệp trong tương lai, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. “Giao thông được coi là mạch máu của nền kinh tế. Hạ tầng sẽ đi trước việc phát triển kinh tế một bước. Với việc tuyến cao tốc này hoàn thành, nó sẽ giúp sự kết nối giữa các tỉnh thành được thuận tiện hơn. Sự giao thông sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn”, TS Trần Khắc Tâm khẳng định.