Tính đến tháng cuối năm 2022, trên địa bàn thành phố có 201 bãi tập kết; trong đó có 77 bãi có thủ tục hoạt động hoặc phù hợp tiêu chí và 124 bãi chưa đủ thủ tục hoạt động hoặc không phù hợp tiêu chí.
Như vậy, số lượng các bến bãi chưa đủ thủ tục hoạt động còn rất lớn và ít có cải thiện so với khảo sát năm 2020 (246 bãi chứa, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên các tuyến sông thuộc thành phố; trong đó 209 bãi đang hoạt động, 37 bãi dừng hoạt động).
Qua báo cáo của các quận, huyện cho thấy vẫn còn tồn tại tình trạng khai thác trái phép cát chưa được xử lý dứt điểm; trong khi đó, lực lượng quản lý lại yếu, mỏng, phương tiện ít, các đối tượng cố tình vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, thường diễn ra vào đêm tối, rất khó phát hiện và xử lý…
Ảnh minh họa.
Trước thực tại công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông ở một số địa bàn còn chưa hiệu quả, chặt chẽ, việc khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 41/UBND-TNMT để đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác cát, sỏi là hết sức cần thiết.
Từ yêu cầu của công văn, Công an thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát lòng sông, vận chuyển kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp với công an các tỉnh giáp ranh nhằm đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát. Quan tâm đến địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chỉ đạo lực lượng công an địa phương xây dựng kế hoạch, tham mưu với chính quyền xây dựng Quy chế phối hợp bố trí lực lượng, lập điểm giám sát 24/24 giờ để kịp thời phát hiện vi phạm.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân. Phối hợp rà soát thống nhất số liệu các bến thủy, bến bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động hoặc tham mưu UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền đối với đơn vị vi phạm. Phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý đất đai đối với điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng có diện tích sử dụng đất không phép, sai phép có diện tích lớn, không đủ điều kiện hoạt động.
Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn xảy ra tại một số địa phương, tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường sinh thái, gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai và đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân khu vực ven sông, gây bức xúc trong dư luận.
Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường tuần tra, giám sát để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cung cấp những thông tin giá trị cho lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Do lợi nhuận lớn, chi phí bỏ ra không nhiều, đó là lý do khiến các đối tượng sẵn sàng “liều mình” để khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Hiện nay phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là chọn những bãi khai thác ở những vị trí xa khu dân cư, vùng giáp ranh… để tránh bị phát hiện và xử lý. Cách thức khai thác cát, sỏi thường vào ban đêm, những ngày thời tiết xấu… để dễ bề qua mặt lực lượng chức năng.
Theo quy định pháp luật, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và hình sự. Do đó, chỉ khi lực lượng chức năng làm nghiêm, quyết liệt theo đúng quy định pháp luật thì tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép mới có thể hạn chế được tối đa.
Theo T.Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7076861489040213/