Chỉ trong hơn 1 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đã sụt giảm thê thảm do tác động của dịch Covid-19. Đến thời điểm này đã có trên 50% doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại các tỉnh thành phố khu vực phía Nam: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương - nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ (chiếm khoảng trên 70% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, giá trị xuất khẩu chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước).
Đà tăng trưởng xuất khẩu của ngành chế biến gỗ và lâm sản đã đột ngột bị chững lại do dịch Covid-19
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho biết các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác với số lượng tăng rất cao so với năm trước, có nhiều đơn hàng, hợp đồng được đề nghị cung cấp sản phẩm đến cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, có hơn 50% doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ phải ngừng, đóng cửa và giảm sản xuất.
Bước sang tháng 8, xuất khẩu gỗ lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Ước tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 949 triệu USD, giảm 34,5% so với tháng 7/2021 và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2%.
Theo ông Lập, các doanh nghiệp dừng sản xuất đang đối diện nguy cơ phá sản do vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, các khoản thuế, phí, lãi suất ngân hàng….
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi từ 0,3-1,5% cùng các gói tín dụng ưu đãi khác; nhưng với mức giảm này là không đáng kể so với thiệt hại của doanh nghiệp, và doanh nghiệp hiện cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác.
Trước tình hình trên, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và các hiệp hội ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ đề nghị các cơ quan chức năng sớm tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu.
Đồng thời để tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị một số giải pháp cấp bách như ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân lao động tại các nhà máy, trong đó có sản xuất chế biến đồ gỗ. Hỗ trợ và hướng dẫn y tế để các doanh nghiệp chủ động mua và tự triển khai xét nghiệm nhanh.
Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cơ quan chức năng khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm một số loại thuế, phí: thuế thu nhập doanh nghiệp, phí công đoàn, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội...