Bùi An ·
2 năm trước
 1697

80% nhà máy điện than mới trên thế giới sẽ được xây dựng ở Châu Á, điều này đe dọa mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris?

"Những thành trì điện than cuối cùng này đang đi ngược lại xu hướng, trong khi năng lượng tái tạo mang đến giải pháp ít tốn kém hơn nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu toàn cầu" - Bạn nghĩ sao về câu nói này của Trưởng bộ phận Năng lượng và Tiện ích của Carbon Tracker - bà Catharina Hillenbrand Von Der Neyen?

Theo báo cáo Do Not Revive Coal (tạm dịch: Đừng phục hồi than đá) do tổ chức tài chính Carbon Tracker mới công bố, 5 quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, có kế hoạch xây dựng tổng số 80% số nhà máy điện than mới trên thế giới, đe dọa các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris.

Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch xây dựng hơn 600 nhà máy điện than mới với tổng công suất hơn 300GW, trong khi Liên Hợp Quốc đang kêu gọi huỷ bỏ các dự án mới. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết việc loại bỏ dần than khỏi ngành điện lực là “bước đi quan trọng nhất” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

nhà máy điện than

Một người phụ nữ trông chừng đàn cừu ăn cỏ gần nhà máy điện than ở Jepara, Java, Indonesia. Ảnh:caixinglobal.com

Báo cáo mới của Carbon Tracker cảnh báo 92% trong số 600 dự án này sẽ không mang lại lợi ích kinh tế, và có thể gây lãng phí tới 150 tỷ USD.

Trưởng bộ phận Năng lượng và Tiện ích của Carbon Tracker - bà Catharina Hillenbrand Von Der Neyen - cho biết: “Những thành trì điện than cuối cùng này đang đi ngược lại xu hướng, trong khi năng lượng tái tạo mang đến giải pháp ít tốn kém hơn nhằm hỗ trợ các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với các dự án điện than mới, nhiều dự án trong số đó có thể gây thua lỗ ngay từ lúc mới triển khai”.

5 quốc gia châu Á này cũng vận hành gần ¾ số nhà máy điện than toàn cầu. Báo cáo cảnh báo, khoảng 27% công suất điện than hiện tại đã không thể sinh lãi và 30% gần hòa vốn, với mức lợi nhuận không quá 5 USD/MWh. Nếu thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris, số tài sản mắc kẹt từ chi phí vận hành các nhà máy điện than trên toàn thế giới sẽ là 220 tỷ USD.

Cũng theo Báo cáo, khoảng 80% số nhà máy điện than đang hoạt động trên toàn cầu có thể được thay thế bằng các nhà máy năng lượng tái tạo mới với chi phí tiết kiệm tức thời. Đến năm 2024, năng lượng tái tạo sẽ ít tốn kém hơn điện than và đến năm 2026, gần như 100% các nhà máy điện than sẽ có chi phí vận hành đắt đỏ so với việc xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo mới. Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng và người đóng thuế ở các quốc gia phát triển điện than sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, sự im lặng từ phía các quốc gia gây ô nhiễm, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ, về các giải pháp khí hậu tích cực hơn tại Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo về vấn đề Khí hậu gần đây, cho thấy rằng họ vẫn có những ưu tiên nội bộ đi ngược lại các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Theo Tạp chí Môi trường & Đô thị Việt Nam